Sunday, December 30, 2007

Ly nước quá đầy ắt phải tràn

Title rõ kêu mà nội dung thì xủng xoẻng. Nhưng chịu khó đọc tí, cũng bới dc cái hay hay ^^.
----------------------------------------------------------------------------------------
Source: website báo Tuổi trẻ

Lạm phát năm 2007: Ly nước quá đầy ắt phải tràn

Nhiều tuần qua, việc Chính phủ công bố chỉ số lạm phát nhiều khả năng ở mức hai con số là một trong những vấn đề được nhiều tầng lớp trong xã hội quan tâm. Với mức độ lạm phát như hiện nay, nền kinh tế sẽ gặp không ít khó khăn vào năm tới.

Ở góc độ vĩ mô, các nhà quản lý đất nước đang đau đầu tìm kiếm các công cụ hữu hiệu để kiềm chế lạm phát. Còn người tiêu dùng, đặc biệt là những người có thu nhập thấp, bữa cơm hàng ngày đã bị ảnh hưởng khá nhiều. Đó cũng là nội dung xuyên suốt buổi tọa đàm cuối năm 2007 do Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần tổ chức tại Press Cafe, 14 Alexandre de Rhodes, Q.1.

Ưu tiên số một vẫn là tăng trưởng. Sức ép lạm phát dồn lên vai người nghèo

TS. Trần Du Lịch - Viện trưởng Viện Kinh tế TP. Hồ Chí Minh: “Việt Nam bắt đầu lạm phát từ năm 2004 (9,5%), hai năm kế tiếp tiếp tục lạm phát, tích lại và đến năm 2007 thì nó bung ra”
TS. Trần Du Lịch - Viện trưởng Viện Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ Quốc gia - trở thành nhân vật trung tâm. Dường như tất cả mọi người đều muốn nghe những thông tin nóng hổi mà ông mang đến buổi tọa đàm. Ông nói:

- Tình hình lạm phát năm nay đã “vượt chỉ tiêu” 8,5% mà Quốc hội đề ra. Thời gian vừa qua, một số tờ báo đưa tin về việc Bộ Tài chính đưa ra một cách tính chỉ số giá cả mới (chỉ số này thấp hơn cách tính của Tổng cục Thống kê) khiến dư luận hoang mang, cho rằng Chính phủ tính lại để chạy theo thành tích. Thực tế không phải như vậy. Mục đích của Bộ Tài chính chỉ là để giúp những cá nhân và tổ chức tùy theo nhu cầu nghiên cứu mà lựa chọn phương pháp nào cho phù hợp.

Tuy nhiên, nếu xét ở phương diện kinh tế, tốc độ lạm phát như hiện nay đang trở thành áp lực rất lớn đối với xã hội. Mới đây, nhiều đại biểu Quốc hội đặt chỉ tiêu khống chế lạm phát năm 2008 dưới 7% nhưng may mà đa số đại biểu không tán thành. Như vậy là làm khó cho Chính phủ. Nhìn lại năm 2007 thì thấy rằng mục tiêu tăng trưởng và mục tiêu lạm phát mâu thuẫn.

Có ý kiến cho rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải tăng dự trữ bắt buộc, điều chỉnh lãi suất giảm xuống nhưng làm thế thì toàn bộ nền kinh tế sẽ chững lại. Thứ hai, về tỷ giá hối đoái, giá trị đồng nội tệ có thể lên xuống theo từng thời kỳ nhưng trong dài hạn vẫn phải giảm giá. Đó là cách mà Trung Quốc đã làm suốt trong nhiều năm. Năm nay, lạm phát ở Trung Quốc có thể dao động từ 5,5% đến 6%. Nhưng cần nhớ rằng hồi thập niên 1990, nước này đã cắn răng chịu đựng lạm phát ở mức hai con số để theo đuổi mục tiêu tăng trưởng.

Ngồi kế bên ông Trần Du Lịch là ông Vũ Thành Tự Anh - Phó Giám đốc nghiên cứu của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright - vị khách mời duy nhất lần đầu tiên tham gia buổi tọa đàm cùng Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần. Giọng nhỏ nhẹ, ông tỏ ý chưa đồng tình:

- Nghiên cứu về kinh tế Trung Quốc, tôi thấy rằng họ rất sợ lạm phát hai con số. Bởi nếu điều đó xảy ra, cuộc sống của hàng loạt những người dân nghèo ở phía Tây Trung Quốc sẽ bị đe dọa.

Huỳnh Bửu Sơn - Giám đốc Đối ngoại Công ty PepsiCO Việt Nam: “Đan tấm lưới an sinh xã hội vững chắc là rất cần thiết nhằm hạn chế sự phân hóa giàu nghèo trong quá trình tăng trưởng”
E ngại vấn đề đang bị đẩy đi quá xa, ông Huỳnh Bửu Sơn - Giám đốc Đối ngoại Công ty PepsiCO - nhẹ nhàng kéo vấn đề trở về quỹ đạo. Ông nói:

- Trong quá trình tăng trưởng, nền kinh tế nào cũng gặp phải tình trạng lạm phát và phải có những cơ chế phù hợp để đối phó. Trong số các cơ chế này, tôi nghĩ hệ thống an sinh xã hội là một vấn đề cần được đặc biệt lưu tâm. Người ta hay nói trong lạm phát, nước (giá) lên thì thuyền (lương bổng) cũng lên. Nhưng không đơn giản như thế. Khi nước lên các con thuyền đô thị (người giàu) sẽ lên, thậm chí lên cao hơn nhưng các con thuyền nông thôn (người nghèo) sẽ chìm.

Lạm phát hiện nay có thể chỉ là khúc dạo đầu, nếu không có những điều chỉnh phù hợp và kịp thời thì sắp tới sẽ còn thêm nhiều vấn đề phát sinh, chẳng hạn như thất nghiệp. Chúng ta sẽ thiếu trầm trọng lực lượng lao động có tay nghề, lương bổng lại cao (khan hiếm lao động), thậm chí có khả năng trong tương lai phải nhập khẩu lao động có chuyên môn là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra.

Một bài báo tôi đã đọc lý giải việc cổ phần hóa chậm là do các doanh nghiệp nhà nước nợ quá nhiều, đến mức mà giải pháp tốt nhất cho nhiều trường hợp là giải thể xí nghiệp. Khi đó, không ít lao động từ các đơn vị này sẽ gia nhập đội quân thất nghiệp. Vì vậy, đan tấm lưới an sinh xã hội vững chắc là rất cần thiết nhằm hạn chế sự phân hóa giàu nghèo trong quá trình tăng trưởng.

Giải phẫu nguyên nhân lạm phát: mất cân đối cung cầu. Đẩy mạnh tổng mức đầu tư nhưng hiệu quả thấp

Vũ Thành Tự Anh - Phó Giám đốc Nghiên cứu của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright: “Ngay cả khi chúng ta có thể “khai thông” kênh tín dụng để hỗ trợ hoạt động đầu tư thì việc phân bổ cũng làm còn kém hiệu quả”
Có vẻ như nhận thấy nguồn thông tin của ông Trần Du Lịch chưa được công bố hết, ông Vũ Thành Tự Anh tiếp tục khai thác bằng cách đặt câu hỏi trực tiếp. Là một người làm công tác nghiên cứu và trực tiếp tham gia giảng dạy về chính sách công, ông Vũ Thành Tự Anh quan tâm nhiều đến những đối sách Chính phủ sẽ sử dụng để kiềm chế lạm phát trong năm tới:

- Trở lại chuyện chính sách tiền tệ, quan điểm chính thống về lạm phát là như thế nào? Chính sách vào năm tới sẽ ra sao?

Không dám nói là chính thống nhưng ông Trần Du Lịch cho rằng lạm phát hiện nay có mấy nguyên nhân. Thứ nhất là sự chênh lệch cung - cầu. Về tổng cung, giá nguyên vật liệu trên thế giới tăng khiến chi phí đầu vào tăng, đẩy giá thành lên cao. Thêm nữa, thiên tai, điển hình là những đợt lũ liên tiếp giáng xuống miền Trung ảnh hưởng nghiêm trọng đến nông nghiệp, cũng là một áp lực dìm tổng cung xuống.

Về phía tổng cầu, tiêu dùng trong năm 2007 tăng đột biến, mặc dù quy mô thị trường chỉ khoảng 50 tỉ USD nhưng tốc độ tiêu dùng nội địa sau khi trừ yếu tố trượt giá vẫn tăng hơn 20%. Thứ hai là luồng ngoại tệ chảy vào Việt Nam năm 2007 rất lớn. Khác với nhiều thị trường khác, đồng USD không chỉ được sử dụng vào mục đích dự trữ ngoại hối mà còn là một phương tiện thanh toán song song với đồng nội tệ trong nhiều giao dịch.

Câu hỏi của ông Vũ Thành Tự Anh vô tình đã khơi nguồn cho ca giải phẫu lạm phát giữa “hai bác sĩ” Trần Du Lịch và Huỳnh Bửu Sơn. Chờ cho ông Trần Du Lịch ngừng lời, ông Huỳnh Bửu Sơn bổ sung:

- Nói đến tổng cầu, có một yếu tố rất quan trọng phải kể đến là đầu tư năm 2007 rất lớn, bao gồm cả những dự án chưa giải ngân từ năm 2006. Bên cạnh khối lượng tiêu dùng tăng như ý kiến của anh Trần Du Lịch, việc gia tăng các khoản đầu tư không hiệu quả đã khiến một lượng tiền lớn được tung ra thị trường nhưng không có đối trọng hàng hóa cân đối lại khiến tổng cầu bị đẩy lên là chuyện đương nhiên.

Để cải thiện tình hình này, phải đẩy nhanh tốc độ thực hiện các dự án để rút ngắn thời gian từ lúc đầu tư đến khi sản xuất ra sản phẩm cuối cùng. Hệ số ICOR của chúng ta cao (5) cho thấy đầu tư đã không hiệu quả. Năm 2007, chúng ta nhập siêu nhưng phần lớn hàng nhập khẩu là trang thiết bị, máy móc phục vụ cho sản xuất, còn tỷ trọng hàng tiêu dùng không nhiều nên không giảm được áp lực cho việc gia tăng tổng cầu.

Đồng ý với nhận xét này, ông Trần Du Lịch dẫn chứng:

- Ước tính ban đầu nhập siêu cả năm của chúng ta là 9 tỉ USD, nhưng đến cuối tháng 12 có thể sẽ đạt mức 12 tỉ USD. Đúng là khi các công ty nước ngoài vào Việt Nam đầu tư, họ phải nhập hàng máy móc thiết bị, nhưng tôi nghĩ hàng tiêu dùng nhập vào cũng không ít. Lý do: Theo lộ trình mà chúng ta cam kết khi gia nhập WTO thì một số hàng tiêu dùng như quần áo, mỹ phẩm… phải cắt giảm thuế nhập khẩu. Những mặt hàng này tiêu thụ khá mạnh do giá đã giảm xuống khoảng phân nửa.

Ông Huỳnh Bửu Sơn nhận xét thêm:

- Năm 2007, xuất khẩu của chúng ta tăng đến 48 tỉ USD, có nghĩa là nền kinh tế mất đi một lượng lớn hàng hóa khá lớn, đặc biệt là hàng lương thực thực phẩm… Điều này đã tạo nên một áp lực lớn khiến lạm phát tăng.

Đến lúc này có vẻ như ông Trần Du Lịch mới chịu hé mở con “bài tẩy”:

- Giá cả thế giới tăng và thiên tai là những yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ lạm phát của năm 2007. Tuy nhiên, các nước khác cũng chịu tác động của giá cả thế giới nhưng họ không lạm phát cao như chúng ta. Thực tế, Việt Nam bắt đầu lạm phát từ năm 2004 (9,5%), hai năm kế tiếp tiếp tục lạm phát, tích lại và đến năm 2007 thì nó bung ra. Tôi cho rằng cái gốc của vấn đề là trong những năm qua, chúng ta đẩy tốc độ tăng trưởng dựa trên mức độ đầu tư mà không chú trọng đến hiệu quả đầu tư. Hệ số ICOR cao là một minh chứng.

Nhìn vào xuất khẩu công nghiệp của Việt Nam hiện nay, có thể chia làm hai nhóm: khai khoáng và gia công. Cả hai nhóm này đều tạo ra rất ít giá trị giá tăng. Trong số 48 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu, chúng ta đã nhập khẩu những gì? Điều tôi quan ngại là doanh nghiệp sản xuất sẽ chững lại do giá nguyên vật liệu trên thế giới tăng. Đầu vào tăng trong khi đầu ra chưa kịp tăng, càng sản xuất nhiều các doanh nghiệp càng lỗ. Cuối năm, nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh, nếu các doanh nghiệp giảm đầu ra sẽ rất nguy hiểm.

Một trong những yếu tố đầu vào phải kể đến là sự biến động của giá dầu thế giới, có thời điểm chạm ngưỡng 100 USD/thùng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Có ý kiến cho rằng xây dựng một chính sách năng lượng đúng đắn đang là đòi hỏi cấp thiết. Sở dĩ Trung Quốc duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định trong nhiều năm qua một phần là bởi họ có chính sách năng lượng khá rõ ràng. Một chút đăm chiêu, ông Vũ Thành Tự Anh nói:

- Tiêu phí điện trong sản xuất của chúng ta là rất cao. Để đạt được 1% tăng trưởng, chúng ta cần tăng 2% điện năng trong khi Trung Quốc chỉ cần khoảng 1,2% tăng trưởng điện năng. Trong khi đó, đơn vị độc quyền cung cấp điện là EVN, một mặt muốn Chính phủ đầu tư, nhưng họ lại dùng tiền ngân sách để đầu tư vào các lĩnh vực khác như viễn thông, bất động sản, tài chính… Trường hợp của EVN không phải là cá biệt.

Việc khá nhiều các tập đoàn kinh tế đăng ký thành lập ngân hàng, theo tôi, là rất nguy hiểm. Khi ngân hàng trở thành một công ty con của tập đoàn, nó sẽ cho các công ty con khác vay vốn và “thoải mái” trong khi thiếu động cơ sử dụng những đồng vốn này sao cho thật sự hiệu quả. Hàn Quốc và Nhật Bản đã từng phải trả giá rất đắt cho những bài học này.

Thực tế hiện nay cho thấy ngân hàng hiện được xếp vào nhóm ngành kinh doanh có lợi nhuận cao nhất. Vấn đề là phải xem nguồn gốc lợi nhuận của ngân hàng do đâu mà có, xuất phát từ việc ăn chênh lệch lãi suất, dịch vụ, hay các hoạt động đầu tư vào thị trường chứng khoán và địa ốc?

Im lặng lắng nghe suốt từ đầu buổi tọa đàm, chuyên viên kinh tế Trần Bá Tước mới mở lời bằng một câu hỏi dành cho ông Trần Du Lịch:

- Chính phủ sẽ tiếp sức cho các tập đoàn lớn như thế nào?

Ông Trần Du Lịch đáp ngay:

- Tôi nghĩ rằng trên đời này không ai thành lập tập đoàn, nó là sự hình thành của một quá trình phát triển. Nói một cách hình ảnh là chỉ có thể trồng một cây tre để được một bụi tre.

Chuyên viên kinh tế Phan Chánh Dưỡng: “Người ta đang đua nhau bán hoa, với tốc độ này, năm bảy năm nữa sẽ không có trái mà ăn. Nguy cơ đó còn lớn hơn vấn đề lạm phát nhiều lần”
Vẫn là cách nói thẳng thắn, không né tránh như lâu nay, chuyên viên kinh tế Phan Chánh Dưỡng tỏ ra tán đồng với cách đặt vấn đề của người đồng nghiệp ở chương trình Fulbright:

- Người ta đang đua nhau bán hoa, với tốc độ này, năm bảy năm nữa sẽ không có trái mà ăn. Nguy cơ đó còn lớn hơn vấn đề lạm phát nhiều lần. Phải truy đến cùng nguồn gốc tất cả những cái mà chúng ta gọi là hiệu quả để biết lợi nhuận của các doanh nghiệp từ đâu, nghiệp vụ kinh doanh chính hay từ đầu tư tài chính. Nói như ông cha chúng ta là thả mồi bắt bóng. May mặc, thực phẩm, đóng tàu… chuyển vốn đi đầu tư tài chính. Cứ đà này, đến một lúc nào đó, nghề ngỗng cũng sẽ không còn nữa.

Ý kiến của ông Phan Chánh Dưỡng nhận được sự tán thưởng của các khách mời. Mọi người ồn ào chia sẻ sự đồng tình. Có người cho rằng sản phẩm chính là cái gốc, chứng khoán là phương tiện thể hiện hình ảnh cái gốc ra bên ngoài. Bỏ cái gốc thì chứng khoán tự khắc sẽ không còn giá trị. Chờ không khí lắng xuống, hướng về phía ông Nguyễn Hữu Nam - Phó Chủ tịch Phụ trách Chiến lược kinh doanh Công ty Cổ phần Chứng khoán Gia Quyền- ông Phan Chánh Dưỡng tiếp:

- Cũng không thể trách các doanh nghiệp bỏ nghề chính, chạy theo nghề phụ. Những doanh nghiệp sản xuất đàng hoàng khổ sở vì cơ chế. Những trói buộc bất hợp lý gây khó khăn cho sản xuất và buộc người ta làm những cái khác.

Làm sao để kiềm chế lạm phát?

Thực tế cho thấy lượng tiền đổ vào Việt Nam năm 2007 là rất lớn. Đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt gần 20 tỉ USD, giai đoạn cuối năm, kiều hối chảy về qua các kênh chính thống cũng gần 6 tỉ USD… Ông Vũ Thành Tự Anh nói:

- Bong bóng trên thị trường bất động sản và sự phát triển mạnh của thị trường chứng khoán trong năm nay chứng tỏ nền kinh tế của chúng ta đang có rất nhiều tiền. Tuy nhiên, chúng ta đã không tiêu hóa nổi nguồn tiền này.

Ông Trần Du Lịch lý giải:

- Nền kinh tế Việt Nam như cái bụng lình bình của người ăn không tiêu. Do đó, tiền chạy qua chứng khoán, chạy qua địa ốc. Tuy nhiên, đó là những thị trường ảo. Chẳng hạn như trong lĩnh vực bất động sản, người ta chủ yếu mua đi bán lại đất nền chứ không đầu tư xây dựng. Không tạo ra giá trị gia tăng nhưng giá đất cứ thế chồng lên.

Theo tôi, có ba nguyên nhân khiến vốn nghẽn. Thứ nhất là toàn bộ hệ thống hạ tầng cơ sở quá tải, TP. Hồ Chí Minh là một điển hình. Thứ hai, nhân lực có chuyên môn và kỹ năng yếu kém, không đủ sức hấp thụ vốn. Nguyên nhân cuối cùng là do những cản ngại từ thủ tục hành chính. Tôi nghĩ yếu tố thứ ba có thể giải quyết được ngay nếu chúng ta thực sự quyết tâm, nhưng hai yếu tố đầu tiên thì không thể giải quyết trong một sớm một chiều.

Thủ tục hành chính dù đã liên tục được cải cách nhưng vẫn là nút cổ chai khiến nhiều nhà đầu tư e ngại. Các khách mời cùng lên tiếng luận tội thủ tục hành chính. Người thì kể rằng có công trình xin giấy phép mất 24 tháng trong khi thời gian thực hiện chỉ mất ba tháng. Mới nhất là chuyện Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh phát hiện ra Sở Xây dựng tự đặt ra những thủ tục gây phiền hà cho người dân như báo chí đưa tin. Rồi chuyện xin giấy phép ở một sở Kế hoạch - Đầu tư.

Một công ty tư vấn nước ngoài được Bộ Kế hoạch - Đầu tư cấp phép hoạt động tư vấn tại Việt Nam gần chục năm nay, khi nộp đơn xin phép thành lập liên doanh với một công ty khác thì được yêu cầu trình chứng nhận hành nghề tư vấn. Trình xong, sở này yêu cầu chứng chỉ tư vấn tài chính, doanh nghiệp hỏi chứng chỉ do ai cấp thì sở nói không biết. Rồi lại đòi bằng kiểm toán viên mặc dù doanh nghiệp không kinh doanh dịch vụ kiểm toán. Khi mọi người có vẻ dịu xuống, ông Vũ Thành Tự Anh tiếp lời:

- Một yếu tố nữa, theo tôi, cũng cần lưu tâm là chưa bao giờ tăng trưởng tín dụng của chúng ta nhiều như trong năm 2007. Tính từ mốc 2002, lúc tăng trưởng tín dụng bắt đầu tăng, khoảng 30%/năm thì năm nay đột xuất vọt lên trên 40%, trong đó phần tín dụng rót cho các doanh nghiệp nhà nước là trên 50%. Ngay cả khi chúng ta có thể “khai thông” kênh tín dụng để hỗ trợ hoạt động đầu tư thì việc phân bổ cũng làm còn kém hiệu quả.

Cuối năm 2005, Vinashin được Chính phủ rót cho 750 triệu USD từ tiền phát hành trái phiếu trên thị trường quốc tế với lãi suất 7,125% nhưng theo Kiểm toán Nhà nước, tỷ suất lợi nhuận của công ty này chỉ đạt khoảng 1%. Nghĩa là ngay cả khi đưa nguồn vốn vào sản xuất kinh doanh thì chúng ta cũng đưa nhầm chỗ, giá trị gia tăng tạo ra không tương xứng với chi phí đầu tư. Cho dù lãi suất đã được tính vào chi phí nhưng khi khoản nợ của Vinashin đáo hạn, nhiều người có quyền nghi ngờ khả năng thanh toán của tập đoàn kinh tế này. Một vấn đề nữa là quản lý Nhà nước.

Đến năm 2005, “điểm” về năng lực điều hành vĩ mô của Việt Nam vẫn còn khá cao nhưng sang năm 2006 và đặc biệt là năm 2007, các chỉ số điều hành vĩ mô đều đi xuống. Nền kinh tế nay đã trở nên phức tạp hơn khiến hệ thống kiểm soát và điều hành vốn hoạt động không hiệu quả và cần phải được thay đổi một cách cơ bản. Nhìn lại vấn đề lạm phát, vì không chấp nhận một thực tế là lạm phát ở Việt Nam có nguyên nhân tiền tệ, nên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng cao, Bộ Tài chính vin vào một trong những chức năng của mình là “quản lý Nhà nước về giá” để đưa ra những giải pháp thiếu căn cơ như giảm thuế nhập khẩu hay “động viên” các doanh nghiệp không tăng giá v.v... Kết quả là chính sách tiền tệ, vốn là chức năng của NHNN, không được sử dụng một cách hiệu quả để chống lạm phát.

Theo ông Trần Du Lịch, các đề án, chính sách về tiền tệ vẫn do NHNN trình bày độc lập. Vấn đề nằm ở chỗ là Bộ Tài chính quản lý thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm, NHNN quản lý thị trường tiền tệ trong khi ba thị trường này liên thông với nhau. Nhận thức rõ điều đó, Chính phủ đang triển khai thành lập một ủy ban độc lập giám sát thị trường tài chính. Về những giải pháp kiềm chế lạm phát, ông Trần Du Lịch nói:

- Điều hành tiền tệ linh hoạt và phù hợp, trong đó tập trung vào chính sách tỷ giá hối đoái, vận dụng công cụ lãi suất và vai trò người cho vay cuối cùng. Xem xét lại công cụ thuế. Có ý kiến đề xuất sử dụng chính sách độc quyền giá nhưng tôi thấy khó vì không dễ kiểm soát được chi phí của doanh nghiệp. Chẳng hạn như quy định chi phí trần cho hoạt động quảng cáo tiếp thị ở mức 10%. Với các tập đoàn kinh tế, khoản chi phí này rất lớn và nếu họ không sử dụng hết thì sẽ trở thành lợi thế đưa vào trong cạnh tranh. Chính phủ cũng đang cân nhắc áp dụng chính sách thị trường hóa, nghĩa là chỉ giữ vai trò điều tiết gián tiếp, để giá cả được quyết định bởi chính sách cung cầu. Tuy nhiên, việc này chỉ có thể khả thi nếu như không còn độc quyền.

Nguyễn Hữu Nam - Phó Chủ tịch HĐQT phụ trách Chiến lược Công ty cổ phần chứng khoán Gia Quyền: “Chúng ta cần xác định một góc đứng để Việt Nam có lợi thế bởi tiềm năng sẵn có, tạo thế mạnh kinh tế thật sự và tránh lạm phát trong tương lai”
Ông Nguyễn Hữu Nam, Phó Chủ tịch HĐQT Phụ trách Chiến lược Công ty Chứng khoán Gia Quyền, bây giờ mới có cơ hội phát biểu. Ông cho rằng việc đồng nội tệ của chúng ta neo giá vào đồng USD tiềm ẩn nhiều rủi ro và cần thiết phải đa dạng hóa ngoại tệ trong dự trữ ngoại hối:

- Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ cắt giảm lãi suất hai lần trong năm, xuống còn 4,5%, là tín hiệu cho thấy Hoa Kỳ muốn giảm giá đồng tiền để tăng cường xuất khẩu, kích cầu trong nước, đồng thời cứu vãn khủng hoảng tín dụng địa ốc tại nước này. Nhìn sang Trung Quốc, dự trữ ngoại hối của nước này đã vượt trên 1.300 tỉ USD, họ đang tung tiền ra đầu tư vào thị trường vốn ở các nước như Mỹ, Nhật, EU, để giảm thiểu rủi ro cho dự trữ ngân sách có cơ cấu đồng USD cao.

Các nước Trung Đông hiện cũng đang chuyển đổi cơ cấu dự trữ ngoại tệ, giảm bớt tỷ lệ đồng USD. EU cũng không cắt giảm lãi suất theo Mỹ như mọi khi. Những dấu hiệu này cho thấy những quốc gia xuất khẩu lệ thuộc vào đồng USD phải dè chừng. Ở góc độ kiềm chế lạm phát, tôi nghĩ một là cần đa dạng hóa chủng loại tiền. Hai là “dĩ độc trị độc”, căn cứ trên giỏ hàng hóa để tính CPI và tính lạm phát mà cho nhập hàng hóa về để tạo áp lực cạnh tranh với các nhà sản xuất trong nước, đồng thời cân bằng áp lực cung và cầu để từ đó kiềm chế lạm phát tạm thời.

Do lạm phát dựa trên CPI mà CPI thì dựa trên chi phí để mua giỏ hàng hóa, dựa trên một liều thuốc giảm đau ngay lập tức (nếu bị đau), để có thể thận trọng đưa ra một phác đồ điều trị dài hạn và chuẩn mực cho lạm phát. Mặt khác, đã vào WTO, chúng ta cũng cần xác định một góc đứng để Việt Nam có lợi thế bởi tiềm năng sẵn có, tạo thế mạnh kinh tế thật sự và tránh lạm phát trong tương lai.

Ví dụ, về chiến lược, nếu chúng ta tập trung vào lĩnh vực công nghiệp nặng thì lĩnh vực này chúng ta không thể cạnh tranh nổi với Trung Quốc. Singapore thì lựa chọn công nghệ sinh học cũng là một cách xây dựng lợi thế khác biệt với Trung Quốc và Ấn Độ v.v… Tôi nghĩ Việt Nam nên lựa chọn một vài mũi nhọn ví dụ như du lịch, may mặc thời trang, thủy hải sản - những ngành ít bị chi phối bởi các cam kết khi gia nhập WTO mà có chính sách phát triển.

Nền kinh tế Việt Nam những năm vừa qua tập trung phát triển theo chiều rộng, xuất phát từ quan điểm giải quyết vấn đề lao động, nhưng chính vì vậy mà không đi vào chiều sâu.

Chuyên viên kinh tế Trần Bá Tước: “Năng suất lao động và đầu tư hiệu quả thấp là hai vấn đề căn bản”
Quay trở lại với cuộc tọa đàm, ông Trần Bá Tước nói:

- Năng suất lao động và đầu tư hiệu quả thấp là hai vấn đề căn bản. Nguyên nhân là do quản trị xã hội không tạo điều kiện để giảm giá thành, cạnh tranh với người ta.

Ông Phan Chánh Dưỡng tán thành:

- Giá thành sản phẩm chưa cạnh tranh được với thế giới là bài toán quyết định. Chúng ta phải xác định rằng đối tượng cạnh tranh của chúng ta hiện nay là toàn cầu, chứ không chỉ là trong nước. Nền kinh tế Việt Nam ngày càng mở nhưng chúng ta không có cơ sở để tạo ra lợi thế cạnh tranh. Thiếu yếu tố này, doanh nghiệp sẽ chạy ăn từng bữa, không có tích lũy và hệ quả là không thể tái đầu tư, đổi mới công nghệ. Sau 20 năm Đổi mới nhưng chúng ta vẫn chỉ bán hai thứ: máu người lao động và tài nguyên mà ông cha để lại. Nhiều năm trước, các công ty đầu tư cùng lúc đầu tư vào Việt Nam và Trung Quốc. Vậy mà bây giờ có người lại chờ đợi những công ty ở Trung Quốc giải thể để chạy sang nước ta do họ thay đổi cơ cấu kinh tế.

Ý kiến trên của ông Phan Chánh Dưỡng cũng đã khép lại không khí sôi nổi của buổi tọa đàm. Thời gian một tiếng rưỡi đồng hồ để bàn về một vấn đề rộng như lạm phát rõ ràng là chưa đủ. Cuối năm nói chuyện lạm phát cũng là một cách tống tiễn những gì không vui của năm cũ. Như lời nhắn nhủ của các khách mời trước khi chia tay: Hãy lạc quan mà sống và làm việc.

Theo THƯỢNG TÙNG
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần


4 comments:

  1. D�i khiếp. Tao đọc c�i title xong th� t� :D. Ko th�ch đọc th�ng tin Kinh Tế d�i thế n�y. M� sao m�y ko đưa link nguồn ra?

    ReplyDelete
  2. Hic, ko đủ can đảm đọc hết mặc d�...

    ReplyDelete
  3. Em đ� đọc hết b�i, cũng k hẳn phải cố gắng lắm lắm để ki�n nhẫn đọc,m� chỉ v� muốn hiểu c�i vấn đề m� chị vẫn hay n�i, để lần sau chị n�i với em, th� em c�n đỡ trở th�nh một con vịt or một c�i l� khoai!

    ReplyDelete
  4. Actually,k hiểu g� về vấn mấy vấn đề như thế n�y, v� chưa bao h đc học, phần nữa l� chưa bao h quan t�m...Nhưng nhận thấy một điều: quả b�ng được đ� qua đ� lại với một h�nh thức thật dễ chịu l� "một cuộc tọa đ�m s�i nổi". Nhưng c�i ch�nh l� đến cuối c�ng, c�u chuyện h�nh như vẫn dừng ở việc đưa ra vấn đề, ch� ch�e một l�c, v� chả c� c�i lối qu�i n�o đc th�ng!

    ReplyDelete