Wednesday, November 6, 2013

Tiếu ngạo giang hồ


Cuối cùng, tôi cũng đọc xong Lộc đỉnh ký, pho truyện thứ năm của Kim Dung và có lẽ cũng là pho truyện cuối cùng của ông mà tôi muốn đọc. Xin tỏ bày vài lời cảm kích, dù biết vài lời ấy không bao giờ là đủ đối với những gì Kim Dung đã viết ra.

Tôi bắt đầu đọc bộ truyện đầu tiên của Kim Dung – Tiếu ngạo giang hồ, năm 2010. Không có sách giấy, cũng như tất cả các bộ truyện sau này, tôi đều đọc ebook. Và đều đọc trong tình trạng chỉ cắm đầu vào đọc thôi, không làm được bất cứ việc gì khác. Tiếu ngạo, khi đó, nếu tôi nhớ không nhầm, mất chừng một tuần để đọc hết, còn sự ám ảnh thì kéo dài hàng năm sau đó. Tôi không nhớ thương Lệnh Hồ Xung hay Thánh cô gì cả, chỉ nhớ khúc ca Tiếu ngạo, và thương những Nghi Lâm, Lâm Bình Chi.

Chính vì đọc một pho truyện Kim Dung "hao tổn công lực" như vậy, nên mãi hoài đến năm ngoái, mới có đủ thời gian và can đảm đọc tiếp Thiên Long Bát bộ, Anh hùng xa điệu, Thần điêu đại hiệp, Ỷ thiên đồ long. Trong bốn bộ này, dấu ấn về Ỷ thiên nhạt mờ nhất. Có lẽ, tại tôi đọc cả bốn bộ liền nhau quá và Ỷ thiên là pho cuối cùng, nên không "thấm" như khi xưa. Lộc đỉnh ký, thực ra, lúc đó tôi cũng đã giở ra đọc. Nhưng truyện Kim Dung, dễ đến 10 hồi đầu đều nói chuyện lan man đâu đâu, phải qua hết đoạn 'đâu đâu' ấy thì mạch truyện mới thực sự vào guồng và đến lúc ấy thì không thể dứt ra được nữa.

Lộc đỉnh ký khi đó dường như chưa chạm tới đoạn "vào guồng". Vả lại, bộ này dính đến chuyện triều chính nghị sự hơi nhiều, tôi không thích. Đến tận bây giờ khi đã đọc xong, vẫn cảm thấy không thích Lộc đỉnh ký bằng những pho truyện trước đó, toàn là anh hùng hảo hán giang hồ. Bi tráng mà hào sảng, tiêu dao. Nhân vật đã "đầu độc" tôi đọc Kim Dung nói rằng: "Ầy, Lộc đỉnh ký vậy mới thật chứ! Các nhân vật trong các truyện trước cứ... bay bay!". Nhưng tôi lại thích 'bay bay'. Thế đấy!

Dẫu vậy, Lộc đỉnh ký vẫn có những trường đoạn phiêu du đẹp mê hồn (những đoạn kể chuyện sử sách nhiều quá tôi lướt qua chả đọc, tuy vẫn bị "nhồi sọ" đủ để ngưỡng mộ trí tuệ của nhân vật Khang Hy trong truyện). Thây kệ chuyện chính sự, chuyện hậu cung loằng ngoằng, truyện vẫn đầy rẫy những tình tiết, nhân vật hài hước theo phong cách Lục Cốc Đào Tiên trong Tiếu ngạo, cũng như cái tư tưởng tự do khoáng đạt vẫn xuyên suốt từ Tiếu ngạo tới Lộc đỉnh.

Nói về tự do, truyện Kim Dung đề cao tối đa cái gọi là không-có-giới-hạn-nào-cả, nói nôm na là "chuyện quái gì chẳng có thể xảy ra"? Tiếu ngạo cho thấy không có chính phái hay tà phái nào cả, trắng đen là do lòng người: Phe 'hắc ám' vẫn có những người trắng tinh và phe còn lại chẳng thiếu những kẻ tâm địa tối như hũ nút. Thần điêu thì đạp lên tư tưởng phong kiến, đưa ra quan điểm rằng tình yêu thì chẳng thể nào bị ngăn cách bởi địa vị hay tuổi tác. Và tới Lộc đỉnh, thì, hãy nhìn Vi Tiểu Bảo: một kẻ xuất thân từ tầng đáy xã hội nhảy lên vị trí chỉ đứng sau Hoàng đế (thậm chí, có người mời hắn làm Hoàng đế nhưng hắn không thèm!).

Nói vậy, không có nghĩa là Kim Dung cổ vũ cho thái độ tung hê thích làm gì thì làm. Những nhân vật chính của ông đều hành động vì lòng khẳng khái nhân nghĩa. Không cao siêu rao giảng thế nào là nhân, thế nào là nghĩa, Kim Dung chỉ viết về điều đó, đơn giản mà rõ ràng: đến một kẻ vô sỉ vô học như Vi Tiểu Bảo cũng nhất định không chịu lừa thầy phản bạn. Và tất cả những kẻ ham hố quyền lực, ôm mộng bá vương đều chịu kết cục không ra gì. Thì mình xem lại mình xem? (Đó là lý do vì sao tôi không thích chính trị, nhưng rất ước mong rằng những ai làm chính trị đều đọc Kim Dung!) Rồi còn nữa nữa những nhân vật, những tư tưởng - dường như đại diện đầy đủ mọi loại người trong đời thực. Người u mê có, người mù quáng có, người mọt sách có, người xảo quyệt có, người đặt tài năng nhầm chỗ cũng có, người có tài mà chẳng biết dùng để làm gì cũng có và thậm chí, người tuyệt giao với thế giới, chả thèm dùng tài năng để làm gì cũng có luôn.

Chính vì những lẽ đó, truyện Kim Dung là tầng tầng lớp lớp ý nghĩa tưởng không bao giờ đào hết. Mỗi lần đọc, ở mỗi giai đoạn khác nhau của cuộc đời, với sự trưởng thành và trải nghiệm khác nhau, hẳn sẽ ngẫm ra những điều mà những lần đọc trước - không cảm thấy được. Và mỗi khi dành sự quan tâm cho một nhân vật nhỏ bé nào đó ngoài nhân vật chính, cũng sẽ rút ra được nhiều điều từ cuộc đời, tâm tư của họ.

*
Trước kia tôi không đọc truyện kiếm hiệp vì nghĩ: toàn đánh nhau có gì hay ho đâu? (Mà xem phim cũng đúng là toàn đánh nhau thật!) Đọc rồi mới thấy, với những pho truyện như thế, đem lên dựng thành phim thì phim không bao giờ được hay và đẹp như truyện. Những chi tiết lý thú, tinh hoa về địa lý, văn hóa trong truyện - lên phim thường bị lu mờ. Chỉ khi đọc truyện, mới thấy được những cái hay, cái đẹp ấy. Và thực sự cảm phục, ngưỡng mộ 'ông' nhà văn vô cùng vì đã dày công nghiên cứu đến thế nào mới viết ra được như vậy!

Cuối cùng (vì đống tâm sự lan man đã quá dài), có một lý do hơi đặc biệt khiến tôi thích truyện Kim Dung. Là vì ngôn ngữ. Vì chúng có chung văn phong, từ ngữ - tạm gọi là "cổ ngữ", được sử dụng trong truyện Kiều, Bình Ngô đại cáo, Phú sông Bạch Đằng. Tóm lại là toàn từ Hán Việt trúc trắc, đầy rẫy những điển cố điển tích chỉ gọi ra đôi ba từ mà ẩn sau đó là câu chuyện dài dằng dặc - thứ mà, có lẽ, các bạn trẻ bây giờ cho là vô nghĩa còn đối với tôi, chúng thực sự là một dòng chảy rất sống động.

Và tôi lấy tên Tiếu ngạo giang hồ đặt cho entry này, vì bốn chữ ấy quá đẹp. Thanh âm nghe đẹp, và ý nghĩa thì càng đẹp hơn. Tôi cũng thêm một điều vào bucket list của mình: Sẽ đọc lại Kim Dung, một ngày nào đó :).



No comments:

Post a Comment