Saturday, January 11, 2014

Kính ảnh màu

Năm Việt - Pháp là một dịp tốt để tổ chức một cuộc triển lãm, trước tiên ở Hà Nội sau sẽ ở Paris, và trưng bày 60 bức hình màu cách đây một thế kỷ, hiện được bảo quản tại Kho Lưu trữ Toàn cầu, trực thuộc Viện Bảo tàng Albert Kahn. Nơi đây là một cơ sở được thành lập vào đầu thế  kỷ XX, với ý đồ rất đáng hoan nghênh là lưu giữ lại những hình ảnh cuộc sống trên thế giới lúc ấy đang biến chuyển  nhanh và có cơ nguy sẽ vĩnh viễn mất đi. Nhưng thực ra, lợi ích đầu tiên của triển lãm này là đưa trả lại đông đảo mọi người những bức ảnh chụp từ một thế kỷ về họ. Còn gì chính đáng hơn việc giới thiệu hình ảnh của người Việt Nam cho người Việt Nam, dù đấy là những hình ảnh xa xưa, mặc dù mọi điều kiện xã hội và chính trị nay đã đổi thay?

Từ sưu tập gốc gồm hơn 1500 phiên bản hình màu do Léon Busy chụp (từ 1914 đến 1915), chúng tôi tập trung chọn lọc những bức đẹp nhất, hữu ích nhất cho việc nghiên cứu Việt học, vì ghi lại chứng tích đời sống vật chất và tinh thần của người Việt thời bấy giờ. Tất nhiên, đã có những nhiếp ảnh gia khác để lại nhiều bức ảnh giá trị về thời điểm xa xưa, song những "phiên bản kính tự nhiễm sắc" này (autochromes) thật đúng là những bức ảnh màu đầu tiên, nhờ phát minh của anh em gia đình Lumière (1903). Màu sắc khiến những tư liệu này có thêm một tầm cỡ khác rất đáng chú ý, ấy là tính chính xác. Nhờ thế nên chúng ta biết rõ ràng áo quần thời ấy màu sắc ra sao. Do vậy, đồ chơi của trẻ em, dù tầm thường thế nào, đều khoe vẻ đẹp muôn màu. Cây cối đến mùa trổ hoa cũng mang sắc thái khác nhau. Phiên bản hình màu do Léon Busy chụp 30 năm sau khi miền Bắc Việt Nam bị đánh chiếm, còn cho ta thấy cái không gian Hà Nội và vùng lân cận, lúc ấy chưa bị chế độ thực dân làm hoàn toàn xáo trộn, hoặc bị tàn phá do chiến tranh, với bao biến đổi chính trị, xã hội, có khi giản đơn chỉ vì đã canh tân trong quy hoạch đô thị hóa. Thiếu sự tiếp giáp bằng hình ảnh, rất nhiều khả năng thế hệ hiện đại, dù là người Việt hay người Pháp, sẽ hoàn toàn xa lạ với cái không gian ấy. 

Mặt khác, phiên bản của Léon Busy buộc ta chú ý vì trình độ mỹ thuật cao. Ông chọn vị trí cẩn thận, khung rất đúng cỡ, tìm tư thế cho nhân vật, dùng ánh sáng thật khéo léo, cho nên ảnh của ông gần giống một tác phẩm nghệ thuật, báo hiệu cho những thành tựu hội họa sau này của các Trường Mỹ thuật vào thập niên 1930. 

Mỗi bức ảnh được chúng tôi quan sát thật kỹ lưỡng, không những cách ghi chép sai trong tựa được chỉnh đốn, mà phần bình luận chú thích còn kế thừa những thành tựu mới nhất của ngành Việt học và sử dụng những tư liệu thật hoàn hảo. 

Có hai đề tài nổi bật: thứ nhất là các ngành nghề từ trước đến nay vẫn tiếp tục làm nhộn nhịp phố phường Hà Nội. Những cảnh sinh hoạt trong đời sống thường nhật thật khó lòng tách khỏi cách ăn mặc, khiến thể hiện rất rõ cách phân loại xã hội qua trang phục. Đề tài thứ nhì liên can tới quan hệ giữa con người và môi trường thiên nhiên, trong ấy thấy rõ sự thờ kính, hoặc cái hài hòa trong cảnh vật, thông qua nhiều khía cạnh tín ngưỡng, tôn giáo.

Rút cuộc, giá trị ảnh màu do Léon Busy chụp thực ra ko phải là ghi lại những gì đã ko còn nữa trong di sản văn hóa, mà chính là chứng minh được một sự tiếp nối hiển nhiên, sau một thế kỷ đầy xáo trộn, của không biết bao nhiêu sắc thái rất Việt Nam.

---
Đây là Lời giới thiệu chung, của triển lãm kính ảnh màu tên là Hình màu Hà Nội (Những sắc màu Hà Nội), tổ chức ở L'Espace đợt cuối 2013 - đầu 2014 vừa rồi. Tiếc là giờ triển lãm đã xong fim rồi, ko thì bà già đã đi lại lần nữa. Đây là triển lãm hay nhất, xuất sắc nhất mà bà già đã xem trong năm qua (cũng có thể là trong cả cuộc đời "bà", từ xưa đến giờ, vì xưa giờ bà già cũng ko thường xuyên đi xem triển lãm cho lắm).

Không bàn đến kỹ thuật chụp, vì bà già Nureng hoàn toàn mù tịt vấn đề này. Bả chỉ thích, trước hết là ảnh và màu sắc - đã tái hiện những khung cảnh xưa hết sức tuyệt vời, với thứ sắc màu mà chỉnh-Instargram-cả-đời-cũng-không-lên-được. Sau nữa, bà già cực cực kỳ thích cách tổ chức cực cực kỳ chuyên nghiệp: rất cẩn trọng, chăm chút và trau chuốt với từng khung hình, từng chú thích. Ấy chỉ riêng cái Lời giới thiệu - đã duyên dáng và nên thơ một cách đáng-ngả-mũ-cúi-đầu như thế kia cơ mà! Nó rất vừa vặn: nói đủ những gì cần nói, trong khi vẫn gợi mở và sâu xa đủ để người đọc biết là à còn những ý tứ như thế như thế.

Bà già ước gì mình cũng viết đc gớm ghê như vầy.

[Bà già có chụp lại vài tấm hình để lưu giữ, không cần post lên đây vì đương nhiên hình bà chụp chả ra gì cả. Chỉ type lại cái Lời nói đầu, à quên, Lời giới thiệu chung - cho thấm thía.]



No comments:

Post a Comment