Monday, April 7, 2014

Tôi nói gì khi nói về chạy bộ

[Mượn title sách của Haruki Murakami, nội dung ko đọc]

1.
Chẳng cần nói về những tác dụng bla bla của luyện tập, thể thao - tới tinh thần. Tôi miệt mài chạy, vì không thích cảm giác chậm rề khi đi bộ.

2.
Tôi đã bắt đầu chạy bằng việc đi bộ. Đi 1 vòng thì chạy 100m, gọi là đi bộ và thi thoảng chạy. Dần dà tôi thích chạy và không thích đi bộ nữa. Tôi chuyển sang chạy nhiều hơn. Các đoạn chạy 100m, 200m xuất hiện lác đác.

Đến Tết vừa rồi, tôi đã đủ sức chạy được liền 1 vòng 1400m.

Và chạy đủ nhiều, để biết đường đổi hết nhạc dance trong máy bằng thứ nhạc chậm rãi hơn. Những bản ballad giúp giữ nhịp tốt hơn. Bạn biết đấy: Nhịp nhanh sẽ tốt để chạy ngắn, nhưng để chạy dài, cần sức bền.

Tôi không rõ mình đã ở level nào nhưng gần đây hay gặp cảm giác chân thì "nghỉ điiiii tao mỏi rồi", nhưng phổi thì vẫn "ủa tao thở tốt, có hụt hơi đâu". Và não quyết định: "thế, cứ chạy tiếp đi con nhé"

3.
Nói thế thôi, vẫn có một vài quãng tôi ngưng chạy, chuyển sang đi bộ nhanh - đi bộ chậm (cho giống kiểu HIIT). Và rồi trước khi chuyển sang trạng thái đi bộ hoàn toàn để nhịp thở trở về trạng thái bình thường, thì tôi sẽ chạy nước rút một đoạn. Có cảm giác như được Xuyên không, băng qua mấy tầng thời gian.

Rồi tôi ngừng lại, lết bộ. Lết một quãng, chuyển sang đi giật lùi. Lý do ban đầu là vì, ai đó nói "chúng ta suốt ngày băm bổ lao về trước, nên cần đi giật lùi một ít cho nó cân bằng".

Dần dà, tôi thích đi giật lùi.

4.
Đi giật lùi luôn mang lại cảm giác dễ chịu. Đến mức, đôi khi tôi ước giá như mình luôn có thể đi giật lùi. Hoặc, giá như mắt luôn mọc đằng sau.

Không thể đi nhanh khi đi giật lùi. Và vì thế, tôi có thể nhìn thật lâu và thật kỹ cây bằng lăng. Nhận ra rằng, nếu tổ chức một cuộc thi 'cây đẹp trong đêm' thì chắc chắn bằng lăng là số Một. Không lùm xùm một búi. Không um tùm lẫn lộn lá cành. Bằng lăng mùa này: cành ra cành, quả ra quả, lá non ra lá non. Cành bằng lăng không khẳng khiu sổ toẹt một nhát mà từ cành lại chẻ ra vô vàn nhánh nhỏ. Lá non lấm tấm bám đầy cành. Và quả khô - từng cụm - xòe ra sáu cánh.

Không thể đi nhanh khi đi giật lùi. Vì thế, cảnh cũ vẫn cứ nằm trong mắt, rất lâu. Chỉ là lùi xa dần. Cảnh mới hiện ra, bằng cách thêm vào dần dần dần dần, rất từ tốn.

Như thế, cảnh cũ không mất đi đột ngột vun vút. Cảnh mới cũng không thêm vào vun vút đột ngột như khi mắt mọc đằng trước: Cứ phải nhìn về xa xa cái gì không rõ. Chỉ biết rằng xung quanh cứ vụt mất, loang loáng. 

5.
Thế. Tôi ước rằng có thể trông vào quá khứ theo cách đó, nói "xin chào" quá khứ một cách từ từ kiểu đó, rồi "xin chào" hiện tại chậm rãi từng chút một theo cách đó, và tò mò bất định về tương lai - đang ở phía sau lưng.

Chứ không phải là quay mông vào quá khứ, để hiện tai veo véo trôi hai bên và chăm chắm ngóng tương lai vô định.