Tuesday, September 8, 2015

Phía Tây

.
Tháng Ngâu gì kỳ. Suốt nửa đầu tháng, nắng rang cả cây. Nắng chẳng thua gì tháng Sáu. Sau đấy có mưa đi chăng nữa, mưa rầm rập đi chăng nữa, thì chỉ sểnh một ngày không mưa, lại nắng vỡ òa.

Ko lẽ lũ quạ đã thôi bắc cầu Ô Thước? Hay uyên ương xưa đã khóc chán rồi?

Hay uyên ương xưa cũng dứt khoát cách nhau ba nghìn thước? Và mưa, thực ra là nước mắt lũ quạ khóc ròng vì hoài công bắc cầu không có người đi?

.
Những buổi chiều, nắng vàng rười rượi cả khoảng ban công phía Tây, hắt ánh vàng chói lóa qua ô kính.

Anh khi đó, hoặc sẽ đang chăm chú gì đó rất kinh mổ bàn phím choành choạch. Hoặc có khi chỉ là đọc ầm ầm lướt net ầm ầm.

Khi nắng tắt, nhìn ra ô cửa, thở khe khẽ kiểu đuối hơi, rút cạn sinh lực (chả biết có fải tại làm việc tử tế ko hay chỉ là ăn trưa vớ vỉu nên giờ tụt đường huyết).

Trong tiếng thở nhẹ êm và ánh sáng dịu dàng ve vuốt mắt, nghe thơm phức mùi mực, giấy - ở gian phòng kho sách sau lưng.

.
Ở phía Tây. Anh đã quen với việc không có hò hẹn luncheon, không có cà phê vỉa hè Lò Gạch lò ghiếc gì hết. Buổi trưa khỏi phải vắt chân lên trán nghĩ bây giờ ăn gì nhỉ vì đơn giản xung quanh đồng không mông quạnh chả có cái khỉ gì ăn.

Cũng phía Tây. Đi mãi thành quen. Đường không còn ngun ngút xa vạn dặm. Anh thậm chí còn nảy ra tí thinh thích chặng đường về. Đầu tiên ở chỗ đèn xanh đèn đỏ quay đầu, gặp một bầy chim cánh cụt đứng dàn trận lơ ngơ tơ hơ kín một vỉa hè, nghĩ quái lạ ông người bán đâu mà để chim như thế? Nhìn kỹ, phì cười thấy ổng nằm rạp trên thảm cỏ, núp sau một hàng rào cây thấp tè chưa tới đầu gối người.

Đi tiếp, đến chỗ rẽ từ Đại lộ Thăng Long vào một cái phố tên kiên cố như cục gạch là Cương Kiên (đã gúc gồ nhưng bác í cũng k biết đây là ai cái gì), thể nào cũng đụng một đàn bò nghênh ngang đi ngược chiều. Rồi dọc cái phố kiên-cố-lô-cốt-bê-tông ấy, lề đường bày bán đầy những xe ngô mới bẻ từ ruộng lên, y như đang ở đâu đó Hà Tây (cũ). Rồi rảnh mắt ngước lên qua bên phải sẽ thấy hoàng hôn dát vàng. Những ngày trời trong, sau mưa, còn nhìn thấy đường viền dãy núi Ba Vì hằn in rõ nét.

.
Phía Tây, đường về hôm nay. Anh đi lòng vòng ngoằn ngoèo qua một cái đường tắt. Vô tình, nhận ra mình từng đi đúng theo lối này, vài năm trước, để ra nghĩa trang tiễn một người bạn-lớp-Năm nằm xuống. Bạn hồi đó, một trong những đứa thông minh nhất lớp. Bạn nhà nghèo, đi bộ mấy cây số đến trường, buổi trưa lại đi bộ về nhà ăn trưa chứ không ăn cơm bán trú như bọn mình. Có lúc bố mẹ định cho bạn thôi lớp học với chúng mình, về lại trường làng thôi. Chúng mình khóc lóc ỉ ôi thế nào ấy, rồi bạn được miễn học phí. Chúng mình lớp-Năm lúc ấy vô tư, thấy thế là sung sướng. Tất nhiên, những ngày tháng đẹp đẽ ấy, với các niềm vui vô tư kiểu vậy, không kéo dài. (Mà gọi là đẹp-đẽ là đối với mình thôi, đó là quãng thời gian khai phá cá tính như một ẻm sâu vừa bò ra khỏi kén bắt đầu mọc cánh. Mẹ mình thì sau này luôn nói đi nói lại rằng đấy là một quãng thời gian sai lầm của bà, cho mình đi học ở đấy chỉ tổ hư đốn.).

Cũng vì đi theo lối này, hôm nay, đi qua một trong hai ngả đường vào lại trường cũ, tức là trường hồi mình lớp-Năm đó. Có hai ngả vào trường. Một ngả cho những ai đi từ phía trên xuống, như người bạn kia. Một ngả cho những đứa từ đi từ phía dưới lên, như mình. Những ngày lơ ngơ cuối lớp Bốn, mẹ đèo mình đến trường bằng xe đạp. Có hôm nghe chỉ đường tưởng là đường tắt nào ấy, vòng lên ngả này mới ngã ngửa vì xa tít. Mẹ guồng mỏi hết chân con ngồi vặn vẹo mỏi hết mông. Đi qua cây cầu nhỏ chỉ vừa cho xe máy đi ngược chiều tránh nhau, vẫn nhớ cảm giác chênh vênh khi leo lên chiếc cầu cao hẳn so với bờ hai bên.

Hôm nay đi qua, cây cầu nho nhỏ cao cao đã trở thành béo phị lùn tịt. Mặt cầu rộng cho ô tô đi vừa và thấp sệt xuống bằng đúng hai bên bờ.

Mình đã không (dám) tiện chân mà rẽ qua trường cũ. Ngôi trường với cánh cổng màu xanh sẫm thấp tè, mà bao nhiêu năm sau quay lại thấy vẫn thế.

Bây giờ sợ là quay lại nó không thế. Thì sợ lắm.

Với lại cả khi nào có bị gì đó, thì mới ghé qua một tí. Những gì quý quý như kiểu bụi vàng quá khứ, phải dè dặt để dành vậy.






1 comment: