Saturday, February 4, 2017

Mưa xuân



Vì tóc người mềm mưa xuân mới 
nên ta về đứng đợi tháng Giêng
trời sẽ nhớ mùa mang mưa tới 
người có vì ta thả tóc nghiêng?

(Tóc mưa, Vũ Duy Hiển)



Mình đã nghĩ là cái thời sến sủng này kia qua rồi mình giờ calm với cool bỏ xừ ra. Lại cũng nghĩ, mình đang calm với cool mà hết cái giai đoạn moody freaky nhạy cảm này nọ rồi.

Nhưng mà, Tết đã rất nắng. Cho đến sáng nay thì mưa xuân và trời âm u (sáng qua mưa chút xíu, ít hơn). Mà qua trưa thì trời cũng hửng lên rồi.

Nhưng mà, tối qua đi loăng quăng đọc phải entry cũ mà chỉ có một dòng ấy mà.

Nhớ lại, mình ko nhớ hồi ấy mình đã vụn vỡ thế nào. (Các vỡ vụn khi đã qua rồi có vẻ như na ná nhau, mình thật). Cái mình nhớ hơn là X hồi đó thế nào. Mình nhớ tấm hình hắn chụp, entry hắn viết. Mình nhớ khi mình lăn ra ngủ khoèo thì hắn vẫn trằn trọc không yên và "tại sao" rất nhiều (hâm bỏ mẹ).

Và khi nắng lên thì mình nhớ tấm hình selfie một hôm Tết nắng, năm đó. Ah, khi đó mình ngồi chờ Min tới. Min với Vịt hay với Captain, không nhớ. Nhưng Tết năm đó đã rất bận, vì mẹ ốm, mà rất vui, vì mình chạy loạn làm đủ thứ với hoa hoét này kia mùi già này kia và bánh chưng ồ tất nhiên rồi.

Lại nói, bánh chưng. Trưa 30 Tết ở một nơi xa tít mù khơi và chat nhảm với hội Áp chảo về các phong cách bánh chưng này nọ, nhớ bố ngút trời. Mặc dù mẹ là người thổi đỗ vo gạo nhưng bố là người làm cho việc gói bánh trở nên nghiêm trọng và trầm trọng. Như Thính nói, kiểu trong truyện chưởng bắt gánh nước tưới cây mấy chục năm rồi mới dạy võ cho, bố là kiểu cho mày rửa lá tước lá làm đủ mọi thứ gần chục năm rồi mới được sờ vào gói bánh (lâu mà, vì mỗi năm chỉ gói có một lần). Mình không đếm được bao nhiêu lần đứt tay vì tước lá, vì xé lạt, nhưng vì bị "di truyền" từ bố quá nặng nên chỉ có bánh chưng gói tay mới ngon các thể loại gói khuôn cắt lá vân vân mời sang hành tinh khác, tỉ lệ trộn gạo - muối chuẩn mực hãy là hai cân gạo và một thìa ăn phở muối ăn, nhân bánh không hành hẹ linh tinh chỉ có đỗ và thịt (ướp tiêu và mắm thật ngon, thơm lừng). Các tip nhảm nhí như ngâm bánh qua một đêm rồi mới luộc, cũng xin dẹp qua một bên: bánh chuẩn mực của-bố luôn được luộc đủ 12 tiếng kể từ khi sôi, luôn luôn châm nước đầy và luôn luôn được rửa, ép sau khi vớt bánh (lại nói, ép chặt quá bánh méo và cứng nhưng ép lỏng quá ko hết nước bánh sẽ dễ mốc và nát choét nữa). Và vì quá lậm bánh chưng tự-mình-làm nên chẳng bao giờ cần phải gói lại bằng lá xanh để bày bàn thờ cho đẹp (để trần trụi thế đẹp quá, the beauty of trần trụi hihi). Tới khi bóc bánh, cắt bánh: chuẩn mực là không được làm cho bánh tòe loe. Đến khi ăn bánh, đúng chuẩn của gia đình là bánh chưng phải ăn vuông-góc :D.

Và khi đặt trong 'concept' Tết, hóa ra bánh chưng cũng chỉ là một điều quá nhỏ tí ti (nhưng không được thiếu), bên cạnh những ti tỉ thứ tên là dọn nhà, đào, quất, hoa hoét, lá mùi già, cá kho, giò xào, thịt đông, canh măng, miến, hành muối, dưa góp, mâm cúng Tất niên, Giao thừa, mâm cúng ba ngày Tết và khi hóa vàng tiễn cụ. Rồi xông đất, lì xì và chúc tụng và nhậu nhẹt khi Giao thừa (mình kệ mẹ thế giới đứa nào gọi điện nhắn tin gì cũng mặc). Và áo dài. Và đi lễ phủ Tây Hồ.

Bởi, cái gia đình truyền-thống đến phát mệt này với những lễ-nghi không được thiếu một tí ti này, mình sẽ bị sốc, nếu thiếu bất cứ gì trong đống ti tỉ thứ ấy. Hay có lẽ tất cả những chộn rộn phát mệt và phiền hà ấy mới khiến cho Tết khác-ngày-thường, Tết-cho-ra-Tết, và thứ mình cần hóa ra chẳng phải là ăn cho hết đống bánh chưng với cá kho giò xào dưa góp (mới gọi là ăn Tết), hay ngửi cho hết đống hoa hoét tòe loe (mới gọi là chơi Tết), mà chỉ là một thứ vô chừng gọi là không-khí-Tết?

.
Nhưng mình đã lết qua một mùa Tết chẳng có gì trong đó đấy thây?

Rồi còn những mùa Tết sau, và sau, sau nữa. Mình chưa biết chống đỡ thế nào. Đáp án chung chung đại khái là, làm bất cứ cái mẹ gì mà mình thích và ko làm bất cứ cái mẹ gì mà mình không thích.

Nhưng như thế có đủ không?

Một mình có làm ra Tết không?

.
Có lẽ trời đừng nên mưa nữa.
Nghe bảo sưa đã nở trắng cả rồi.



No comments:

Post a Comment