Tuesday, July 14, 2009

145 days left

Cuộc trò chuyện giữa Thượng đế và một giáo viên

[Đạo diễn Lê Hoàng - hay còn có bút danh là Lê Thị Liên Hoan]

Giáo viên: Thưa Thượng đế, có phải ngài đã làm ra loài người không? Thượng đế: Đúng vậy. Mặc dù vẫn tồn tại một số giả thiết là loài người đã làm ra ta. Phần con nghĩ thế nào?

Giáo viên: Con cho rằng loài người đã làm ra nhau!

Thượng đế: Điều ấy rất đúng. Ít ra về mặt kiến thức. Là một giáo viên, con hãy xuống trần gian để lo việc đó. Rõ ràng đấy là một nghĩa vụ thiêng liêng.

Giáo viên: Vâng. Thưa Thượng đế, trước khi con lên đường, ngài có dặn dò gì không ạ?

Thượng đế: Tại sao người phát triển? Tại vì họ là sinh vật duy nhất trên đời có giáo dục. Chính giáo dục làm cho nền văn minh của họ được lưu truyền.

Giáo viên: Con biết.

Thượng đế: Vậy thì hãy biết thêm điều này: Nếu con là một thầy giáo chân chính, con đừng bao giờ giáo dục ai dựa trên nỗi sợ.

Giáo viên: Sợ?

Thượng đế: Phải. Đấy là một phương pháp thuận tiện nhất, nhưng theo ta, sai lầm nhất, mà không hiểu sao thiên hạ cứ thích vận hành.

Giáo viên: Xin ngài nói cụ thể hơn.

Thượng đế: Cụ thể hơn là ngay từ lúc mới sinh, em bé đã bị dọa “Ăn đi, nếu không ông Ba Bị đến kìa”. Rồi “Nếu con khóc, mẹ sẽ không chơi với con nữa”.

Giáo viên: A, cùng với thời gian, giáo án “dọa” ngày càng hoàn thiện...

Thượng đế: Đúng vậy. Đứa bé luôn luôn bị dọa cho con chuột cắn, dọa nhốt trong buồng, dọa phải tiêm chích ngừa, dọa... không được chơi với đứa bé khác.

Giáo viên: Rồi nó tiếp tục lớn lên...

Thượng đế: Và các mối nguy cơ đe dọa cũng lớn dần, khiến cho “con người con” lúc nào cũng sợ: sợ bị điểm kém, sợ cô giáo mắng, sợ thi trượt, sợ bố mẹ buồn...

Giáo viên: Những điều sợ ấy có gì sai, thưa Thượng đế?

Thượng đế: Con ơi, khi con đã làm một chuyên gia giáo dục, con phải biết có những điều không sai nhưng không được phép làm.

Giáo viên: Vâng.

Thượng đế: Một phương châm giáo dục trên cơ sở khai thác nỗi sợ sẽ chỉ làm ra những con người thụ động, yếu mềm, chuyên nghe lời và nhút nhát mà thôi.

Giáo viên: Tại sao?

Thượng đế: Tại giữa một người học và sợ thi trượt với một người học vì muốn điều khiển kiến thức có một khoảng cách rất xa nhau.

Giáo viên: Suốt đời như thế à?

Thượng đế: [Suốt đời]. Nếu chúng ta
[đi làm chỉ vì sợ phải đói],
[yêu vì sợ cô đơn],
[đến cơ quan vì sợ sếp đuổi việc],
thì chúng ta chỉ trở thành những công chức hạng hai, những “tiểu thị dân” trong khoa học.

Giáo viên: Trong nghệ thuật thì sao?

Thượng đế: Thì cũng thế. Ta có thể xem ca nhạc vì sợ nỗi tiếc tiền mua vé, xem múa balê vì sợ rằng đứa khác cũng đang xem, vỗ tay khi thấy ai cũng vỗ và xem phim bởi sợ nếu không xem thì thiên hạ chê cười. Ta sẽ không thưởng thức cái gì từ đòi hỏi của chính tâm hồn ta hết.

Giáo viên: Phần sức khỏe thế nào, thưa ngài.

Thượng đế: Đấy có thể là phần tệ nhất. Ta ăn cái này vì sợ béo, không ăn cái khác vì sợ gầy. Ta tập tạ vì sợ thân hình không bằng Lý Đức còn tập chạy như điên vì sợ mình chậm hơn... Lý ngựa ô.

Giáo viên: Dạ thưa, thế còn phần ứng xử?

Thượng đế: Ứng xử thì vì sợ, ta rất dễ biến thành [hèn].

Ta chào một thằng trong khi đáng ra phải nện vào mõm nó,
hoặc cười cung kính lúc nhẽ ra phải hét to lên,
ta làm ra vẻ chăm chú lắng nghe lúc đáng ra cần ngủ gật.

[Nỗi sợ làm cho con người tê liệt, mà khi tê liệt, họ dễ đờ ra.]

Giáo viên: Kinh nhỉ.

Thượng đế: Kinh nhất là phương pháp giáo dục dựa trên nền tảng sợ có thể được gọi bằng những tên khác nghe... đỡ sợ hơn.

Giáo viên: Thưa Thượng đế, làm thế nào để tránh được điều này?

Thượng đế: Phải đào tạo mỗi cá nhân trên cơ sở đề cao nhân cách, dạy cho mỗi học sinh cách sống, cách làm việc một bản lĩnh độc lập, tự tin. Tuyệt đối không nghĩ thay cho họ.

Giáo viên: Điều ấy có khó gì?

Thượng đế: Khó chứ, vì muốn giáo dục người khác, các thầy giáo, đầu tiên, phải giáo dục được chính mình không như thế.

Giáo viên: Thưa Thượng đế, ngài nói thì dễ lắm, vì ngài là đấng tối cao. Còn con người phần lớn không được địa vị như ngài. Họ bị ràng buộc bởi cả một hệ thống, và phải tôn trọng điều này.

Thượng đế: Tôn trọng là một mối quan hệ có tính hai chiều, và cũng cần bình đẳng. Chúng ta không thể giáo dục một đứa bé những gì tốt đẹp của thế giới nếu như không cho thấy những gì tốt đẹp của nó cũng đáng được quan tâm. Mục đích tối cao của giáo dục là gì nếu như không phải trao cho mỗi cá nhân sức mạnh. Vậy học sinh lấy đâu ra sức mạnh khi thiếu tự tin. Giữa một đứa bé lớn lên vì sợ và một đứa bé lớn lên vì muốn khám phá có một khoảng cách rất xa vời.

Giáo viên: Thưa Thượng đế, tại sao ngài biết điều đó mà ngài không công tác trong ngành sư phạm. Ngài không là giáo viên?

Thượng đế: Ta nói cho anh biết, thực ra, mỗi giáo viên đã là một Thượng đế rồi. Chẳng qua là họ không cư xử như vậy mà thôi.

Giáo viên: Đúng không?

Thượng đế: Nhất định đúng. Ngươi-ngang-hàng-với-ta. Ta sinh ra loài người, còn ngươi giáo dục.

---
Living without fear!

No comments:

Post a Comment