Sunday, December 30, 2007

Ly nước quá đầy ắt phải tràn

Title rõ kêu mà nội dung thì xủng xoẻng. Nhưng chịu khó đọc tí, cũng bới dc cái hay hay ^^.
----------------------------------------------------------------------------------------
Source: website báo Tuổi trẻ

Lạm phát năm 2007: Ly nước quá đầy ắt phải tràn

Nhiều tuần qua, việc Chính phủ công bố chỉ số lạm phát nhiều khả năng ở mức hai con số là một trong những vấn đề được nhiều tầng lớp trong xã hội quan tâm. Với mức độ lạm phát như hiện nay, nền kinh tế sẽ gặp không ít khó khăn vào năm tới.

Ở góc độ vĩ mô, các nhà quản lý đất nước đang đau đầu tìm kiếm các công cụ hữu hiệu để kiềm chế lạm phát. Còn người tiêu dùng, đặc biệt là những người có thu nhập thấp, bữa cơm hàng ngày đã bị ảnh hưởng khá nhiều. Đó cũng là nội dung xuyên suốt buổi tọa đàm cuối năm 2007 do Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần tổ chức tại Press Cafe, 14 Alexandre de Rhodes, Q.1.

Ưu tiên số một vẫn là tăng trưởng. Sức ép lạm phát dồn lên vai người nghèo

TS. Trần Du Lịch - Viện trưởng Viện Kinh tế TP. Hồ Chí Minh: “Việt Nam bắt đầu lạm phát từ năm 2004 (9,5%), hai năm kế tiếp tiếp tục lạm phát, tích lại và đến năm 2007 thì nó bung ra”
TS. Trần Du Lịch - Viện trưởng Viện Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ Quốc gia - trở thành nhân vật trung tâm. Dường như tất cả mọi người đều muốn nghe những thông tin nóng hổi mà ông mang đến buổi tọa đàm. Ông nói:

- Tình hình lạm phát năm nay đã “vượt chỉ tiêu” 8,5% mà Quốc hội đề ra. Thời gian vừa qua, một số tờ báo đưa tin về việc Bộ Tài chính đưa ra một cách tính chỉ số giá cả mới (chỉ số này thấp hơn cách tính của Tổng cục Thống kê) khiến dư luận hoang mang, cho rằng Chính phủ tính lại để chạy theo thành tích. Thực tế không phải như vậy. Mục đích của Bộ Tài chính chỉ là để giúp những cá nhân và tổ chức tùy theo nhu cầu nghiên cứu mà lựa chọn phương pháp nào cho phù hợp.

Tuy nhiên, nếu xét ở phương diện kinh tế, tốc độ lạm phát như hiện nay đang trở thành áp lực rất lớn đối với xã hội. Mới đây, nhiều đại biểu Quốc hội đặt chỉ tiêu khống chế lạm phát năm 2008 dưới 7% nhưng may mà đa số đại biểu không tán thành. Như vậy là làm khó cho Chính phủ. Nhìn lại năm 2007 thì thấy rằng mục tiêu tăng trưởng và mục tiêu lạm phát mâu thuẫn.

Có ý kiến cho rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải tăng dự trữ bắt buộc, điều chỉnh lãi suất giảm xuống nhưng làm thế thì toàn bộ nền kinh tế sẽ chững lại. Thứ hai, về tỷ giá hối đoái, giá trị đồng nội tệ có thể lên xuống theo từng thời kỳ nhưng trong dài hạn vẫn phải giảm giá. Đó là cách mà Trung Quốc đã làm suốt trong nhiều năm. Năm nay, lạm phát ở Trung Quốc có thể dao động từ 5,5% đến 6%. Nhưng cần nhớ rằng hồi thập niên 1990, nước này đã cắn răng chịu đựng lạm phát ở mức hai con số để theo đuổi mục tiêu tăng trưởng.

Ngồi kế bên ông Trần Du Lịch là ông Vũ Thành Tự Anh - Phó Giám đốc nghiên cứu của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright - vị khách mời duy nhất lần đầu tiên tham gia buổi tọa đàm cùng Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần. Giọng nhỏ nhẹ, ông tỏ ý chưa đồng tình:

- Nghiên cứu về kinh tế Trung Quốc, tôi thấy rằng họ rất sợ lạm phát hai con số. Bởi nếu điều đó xảy ra, cuộc sống của hàng loạt những người dân nghèo ở phía Tây Trung Quốc sẽ bị đe dọa.

Huỳnh Bửu Sơn - Giám đốc Đối ngoại Công ty PepsiCO Việt Nam: “Đan tấm lưới an sinh xã hội vững chắc là rất cần thiết nhằm hạn chế sự phân hóa giàu nghèo trong quá trình tăng trưởng”
E ngại vấn đề đang bị đẩy đi quá xa, ông Huỳnh Bửu Sơn - Giám đốc Đối ngoại Công ty PepsiCO - nhẹ nhàng kéo vấn đề trở về quỹ đạo. Ông nói:

- Trong quá trình tăng trưởng, nền kinh tế nào cũng gặp phải tình trạng lạm phát và phải có những cơ chế phù hợp để đối phó. Trong số các cơ chế này, tôi nghĩ hệ thống an sinh xã hội là một vấn đề cần được đặc biệt lưu tâm. Người ta hay nói trong lạm phát, nước (giá) lên thì thuyền (lương bổng) cũng lên. Nhưng không đơn giản như thế. Khi nước lên các con thuyền đô thị (người giàu) sẽ lên, thậm chí lên cao hơn nhưng các con thuyền nông thôn (người nghèo) sẽ chìm.

Lạm phát hiện nay có thể chỉ là khúc dạo đầu, nếu không có những điều chỉnh phù hợp và kịp thời thì sắp tới sẽ còn thêm nhiều vấn đề phát sinh, chẳng hạn như thất nghiệp. Chúng ta sẽ thiếu trầm trọng lực lượng lao động có tay nghề, lương bổng lại cao (khan hiếm lao động), thậm chí có khả năng trong tương lai phải nhập khẩu lao động có chuyên môn là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra.

Một bài báo tôi đã đọc lý giải việc cổ phần hóa chậm là do các doanh nghiệp nhà nước nợ quá nhiều, đến mức mà giải pháp tốt nhất cho nhiều trường hợp là giải thể xí nghiệp. Khi đó, không ít lao động từ các đơn vị này sẽ gia nhập đội quân thất nghiệp. Vì vậy, đan tấm lưới an sinh xã hội vững chắc là rất cần thiết nhằm hạn chế sự phân hóa giàu nghèo trong quá trình tăng trưởng.

Giải phẫu nguyên nhân lạm phát: mất cân đối cung cầu. Đẩy mạnh tổng mức đầu tư nhưng hiệu quả thấp

Vũ Thành Tự Anh - Phó Giám đốc Nghiên cứu của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright: “Ngay cả khi chúng ta có thể “khai thông” kênh tín dụng để hỗ trợ hoạt động đầu tư thì việc phân bổ cũng làm còn kém hiệu quả”
Có vẻ như nhận thấy nguồn thông tin của ông Trần Du Lịch chưa được công bố hết, ông Vũ Thành Tự Anh tiếp tục khai thác bằng cách đặt câu hỏi trực tiếp. Là một người làm công tác nghiên cứu và trực tiếp tham gia giảng dạy về chính sách công, ông Vũ Thành Tự Anh quan tâm nhiều đến những đối sách Chính phủ sẽ sử dụng để kiềm chế lạm phát trong năm tới:

- Trở lại chuyện chính sách tiền tệ, quan điểm chính thống về lạm phát là như thế nào? Chính sách vào năm tới sẽ ra sao?

Không dám nói là chính thống nhưng ông Trần Du Lịch cho rằng lạm phát hiện nay có mấy nguyên nhân. Thứ nhất là sự chênh lệch cung - cầu. Về tổng cung, giá nguyên vật liệu trên thế giới tăng khiến chi phí đầu vào tăng, đẩy giá thành lên cao. Thêm nữa, thiên tai, điển hình là những đợt lũ liên tiếp giáng xuống miền Trung ảnh hưởng nghiêm trọng đến nông nghiệp, cũng là một áp lực dìm tổng cung xuống.

Về phía tổng cầu, tiêu dùng trong năm 2007 tăng đột biến, mặc dù quy mô thị trường chỉ khoảng 50 tỉ USD nhưng tốc độ tiêu dùng nội địa sau khi trừ yếu tố trượt giá vẫn tăng hơn 20%. Thứ hai là luồng ngoại tệ chảy vào Việt Nam năm 2007 rất lớn. Khác với nhiều thị trường khác, đồng USD không chỉ được sử dụng vào mục đích dự trữ ngoại hối mà còn là một phương tiện thanh toán song song với đồng nội tệ trong nhiều giao dịch.

Câu hỏi của ông Vũ Thành Tự Anh vô tình đã khơi nguồn cho ca giải phẫu lạm phát giữa “hai bác sĩ” Trần Du Lịch và Huỳnh Bửu Sơn. Chờ cho ông Trần Du Lịch ngừng lời, ông Huỳnh Bửu Sơn bổ sung:

- Nói đến tổng cầu, có một yếu tố rất quan trọng phải kể đến là đầu tư năm 2007 rất lớn, bao gồm cả những dự án chưa giải ngân từ năm 2006. Bên cạnh khối lượng tiêu dùng tăng như ý kiến của anh Trần Du Lịch, việc gia tăng các khoản đầu tư không hiệu quả đã khiến một lượng tiền lớn được tung ra thị trường nhưng không có đối trọng hàng hóa cân đối lại khiến tổng cầu bị đẩy lên là chuyện đương nhiên.

Để cải thiện tình hình này, phải đẩy nhanh tốc độ thực hiện các dự án để rút ngắn thời gian từ lúc đầu tư đến khi sản xuất ra sản phẩm cuối cùng. Hệ số ICOR của chúng ta cao (5) cho thấy đầu tư đã không hiệu quả. Năm 2007, chúng ta nhập siêu nhưng phần lớn hàng nhập khẩu là trang thiết bị, máy móc phục vụ cho sản xuất, còn tỷ trọng hàng tiêu dùng không nhiều nên không giảm được áp lực cho việc gia tăng tổng cầu.

Đồng ý với nhận xét này, ông Trần Du Lịch dẫn chứng:

- Ước tính ban đầu nhập siêu cả năm của chúng ta là 9 tỉ USD, nhưng đến cuối tháng 12 có thể sẽ đạt mức 12 tỉ USD. Đúng là khi các công ty nước ngoài vào Việt Nam đầu tư, họ phải nhập hàng máy móc thiết bị, nhưng tôi nghĩ hàng tiêu dùng nhập vào cũng không ít. Lý do: Theo lộ trình mà chúng ta cam kết khi gia nhập WTO thì một số hàng tiêu dùng như quần áo, mỹ phẩm… phải cắt giảm thuế nhập khẩu. Những mặt hàng này tiêu thụ khá mạnh do giá đã giảm xuống khoảng phân nửa.

Ông Huỳnh Bửu Sơn nhận xét thêm:

- Năm 2007, xuất khẩu của chúng ta tăng đến 48 tỉ USD, có nghĩa là nền kinh tế mất đi một lượng lớn hàng hóa khá lớn, đặc biệt là hàng lương thực thực phẩm… Điều này đã tạo nên một áp lực lớn khiến lạm phát tăng.

Đến lúc này có vẻ như ông Trần Du Lịch mới chịu hé mở con “bài tẩy”:

- Giá cả thế giới tăng và thiên tai là những yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ lạm phát của năm 2007. Tuy nhiên, các nước khác cũng chịu tác động của giá cả thế giới nhưng họ không lạm phát cao như chúng ta. Thực tế, Việt Nam bắt đầu lạm phát từ năm 2004 (9,5%), hai năm kế tiếp tiếp tục lạm phát, tích lại và đến năm 2007 thì nó bung ra. Tôi cho rằng cái gốc của vấn đề là trong những năm qua, chúng ta đẩy tốc độ tăng trưởng dựa trên mức độ đầu tư mà không chú trọng đến hiệu quả đầu tư. Hệ số ICOR cao là một minh chứng.

Nhìn vào xuất khẩu công nghiệp của Việt Nam hiện nay, có thể chia làm hai nhóm: khai khoáng và gia công. Cả hai nhóm này đều tạo ra rất ít giá trị giá tăng. Trong số 48 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu, chúng ta đã nhập khẩu những gì? Điều tôi quan ngại là doanh nghiệp sản xuất sẽ chững lại do giá nguyên vật liệu trên thế giới tăng. Đầu vào tăng trong khi đầu ra chưa kịp tăng, càng sản xuất nhiều các doanh nghiệp càng lỗ. Cuối năm, nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh, nếu các doanh nghiệp giảm đầu ra sẽ rất nguy hiểm.

Một trong những yếu tố đầu vào phải kể đến là sự biến động của giá dầu thế giới, có thời điểm chạm ngưỡng 100 USD/thùng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Có ý kiến cho rằng xây dựng một chính sách năng lượng đúng đắn đang là đòi hỏi cấp thiết. Sở dĩ Trung Quốc duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định trong nhiều năm qua một phần là bởi họ có chính sách năng lượng khá rõ ràng. Một chút đăm chiêu, ông Vũ Thành Tự Anh nói:

- Tiêu phí điện trong sản xuất của chúng ta là rất cao. Để đạt được 1% tăng trưởng, chúng ta cần tăng 2% điện năng trong khi Trung Quốc chỉ cần khoảng 1,2% tăng trưởng điện năng. Trong khi đó, đơn vị độc quyền cung cấp điện là EVN, một mặt muốn Chính phủ đầu tư, nhưng họ lại dùng tiền ngân sách để đầu tư vào các lĩnh vực khác như viễn thông, bất động sản, tài chính… Trường hợp của EVN không phải là cá biệt.

Việc khá nhiều các tập đoàn kinh tế đăng ký thành lập ngân hàng, theo tôi, là rất nguy hiểm. Khi ngân hàng trở thành một công ty con của tập đoàn, nó sẽ cho các công ty con khác vay vốn và “thoải mái” trong khi thiếu động cơ sử dụng những đồng vốn này sao cho thật sự hiệu quả. Hàn Quốc và Nhật Bản đã từng phải trả giá rất đắt cho những bài học này.

Thực tế hiện nay cho thấy ngân hàng hiện được xếp vào nhóm ngành kinh doanh có lợi nhuận cao nhất. Vấn đề là phải xem nguồn gốc lợi nhuận của ngân hàng do đâu mà có, xuất phát từ việc ăn chênh lệch lãi suất, dịch vụ, hay các hoạt động đầu tư vào thị trường chứng khoán và địa ốc?

Im lặng lắng nghe suốt từ đầu buổi tọa đàm, chuyên viên kinh tế Trần Bá Tước mới mở lời bằng một câu hỏi dành cho ông Trần Du Lịch:

- Chính phủ sẽ tiếp sức cho các tập đoàn lớn như thế nào?

Ông Trần Du Lịch đáp ngay:

- Tôi nghĩ rằng trên đời này không ai thành lập tập đoàn, nó là sự hình thành của một quá trình phát triển. Nói một cách hình ảnh là chỉ có thể trồng một cây tre để được một bụi tre.

Chuyên viên kinh tế Phan Chánh Dưỡng: “Người ta đang đua nhau bán hoa, với tốc độ này, năm bảy năm nữa sẽ không có trái mà ăn. Nguy cơ đó còn lớn hơn vấn đề lạm phát nhiều lần”
Vẫn là cách nói thẳng thắn, không né tránh như lâu nay, chuyên viên kinh tế Phan Chánh Dưỡng tỏ ra tán đồng với cách đặt vấn đề của người đồng nghiệp ở chương trình Fulbright:

- Người ta đang đua nhau bán hoa, với tốc độ này, năm bảy năm nữa sẽ không có trái mà ăn. Nguy cơ đó còn lớn hơn vấn đề lạm phát nhiều lần. Phải truy đến cùng nguồn gốc tất cả những cái mà chúng ta gọi là hiệu quả để biết lợi nhuận của các doanh nghiệp từ đâu, nghiệp vụ kinh doanh chính hay từ đầu tư tài chính. Nói như ông cha chúng ta là thả mồi bắt bóng. May mặc, thực phẩm, đóng tàu… chuyển vốn đi đầu tư tài chính. Cứ đà này, đến một lúc nào đó, nghề ngỗng cũng sẽ không còn nữa.

Ý kiến của ông Phan Chánh Dưỡng nhận được sự tán thưởng của các khách mời. Mọi người ồn ào chia sẻ sự đồng tình. Có người cho rằng sản phẩm chính là cái gốc, chứng khoán là phương tiện thể hiện hình ảnh cái gốc ra bên ngoài. Bỏ cái gốc thì chứng khoán tự khắc sẽ không còn giá trị. Chờ không khí lắng xuống, hướng về phía ông Nguyễn Hữu Nam - Phó Chủ tịch Phụ trách Chiến lược kinh doanh Công ty Cổ phần Chứng khoán Gia Quyền- ông Phan Chánh Dưỡng tiếp:

- Cũng không thể trách các doanh nghiệp bỏ nghề chính, chạy theo nghề phụ. Những doanh nghiệp sản xuất đàng hoàng khổ sở vì cơ chế. Những trói buộc bất hợp lý gây khó khăn cho sản xuất và buộc người ta làm những cái khác.

Làm sao để kiềm chế lạm phát?

Thực tế cho thấy lượng tiền đổ vào Việt Nam năm 2007 là rất lớn. Đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt gần 20 tỉ USD, giai đoạn cuối năm, kiều hối chảy về qua các kênh chính thống cũng gần 6 tỉ USD… Ông Vũ Thành Tự Anh nói:

- Bong bóng trên thị trường bất động sản và sự phát triển mạnh của thị trường chứng khoán trong năm nay chứng tỏ nền kinh tế của chúng ta đang có rất nhiều tiền. Tuy nhiên, chúng ta đã không tiêu hóa nổi nguồn tiền này.

Ông Trần Du Lịch lý giải:

- Nền kinh tế Việt Nam như cái bụng lình bình của người ăn không tiêu. Do đó, tiền chạy qua chứng khoán, chạy qua địa ốc. Tuy nhiên, đó là những thị trường ảo. Chẳng hạn như trong lĩnh vực bất động sản, người ta chủ yếu mua đi bán lại đất nền chứ không đầu tư xây dựng. Không tạo ra giá trị gia tăng nhưng giá đất cứ thế chồng lên.

Theo tôi, có ba nguyên nhân khiến vốn nghẽn. Thứ nhất là toàn bộ hệ thống hạ tầng cơ sở quá tải, TP. Hồ Chí Minh là một điển hình. Thứ hai, nhân lực có chuyên môn và kỹ năng yếu kém, không đủ sức hấp thụ vốn. Nguyên nhân cuối cùng là do những cản ngại từ thủ tục hành chính. Tôi nghĩ yếu tố thứ ba có thể giải quyết được ngay nếu chúng ta thực sự quyết tâm, nhưng hai yếu tố đầu tiên thì không thể giải quyết trong một sớm một chiều.

Thủ tục hành chính dù đã liên tục được cải cách nhưng vẫn là nút cổ chai khiến nhiều nhà đầu tư e ngại. Các khách mời cùng lên tiếng luận tội thủ tục hành chính. Người thì kể rằng có công trình xin giấy phép mất 24 tháng trong khi thời gian thực hiện chỉ mất ba tháng. Mới nhất là chuyện Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh phát hiện ra Sở Xây dựng tự đặt ra những thủ tục gây phiền hà cho người dân như báo chí đưa tin. Rồi chuyện xin giấy phép ở một sở Kế hoạch - Đầu tư.

Một công ty tư vấn nước ngoài được Bộ Kế hoạch - Đầu tư cấp phép hoạt động tư vấn tại Việt Nam gần chục năm nay, khi nộp đơn xin phép thành lập liên doanh với một công ty khác thì được yêu cầu trình chứng nhận hành nghề tư vấn. Trình xong, sở này yêu cầu chứng chỉ tư vấn tài chính, doanh nghiệp hỏi chứng chỉ do ai cấp thì sở nói không biết. Rồi lại đòi bằng kiểm toán viên mặc dù doanh nghiệp không kinh doanh dịch vụ kiểm toán. Khi mọi người có vẻ dịu xuống, ông Vũ Thành Tự Anh tiếp lời:

- Một yếu tố nữa, theo tôi, cũng cần lưu tâm là chưa bao giờ tăng trưởng tín dụng của chúng ta nhiều như trong năm 2007. Tính từ mốc 2002, lúc tăng trưởng tín dụng bắt đầu tăng, khoảng 30%/năm thì năm nay đột xuất vọt lên trên 40%, trong đó phần tín dụng rót cho các doanh nghiệp nhà nước là trên 50%. Ngay cả khi chúng ta có thể “khai thông” kênh tín dụng để hỗ trợ hoạt động đầu tư thì việc phân bổ cũng làm còn kém hiệu quả.

Cuối năm 2005, Vinashin được Chính phủ rót cho 750 triệu USD từ tiền phát hành trái phiếu trên thị trường quốc tế với lãi suất 7,125% nhưng theo Kiểm toán Nhà nước, tỷ suất lợi nhuận của công ty này chỉ đạt khoảng 1%. Nghĩa là ngay cả khi đưa nguồn vốn vào sản xuất kinh doanh thì chúng ta cũng đưa nhầm chỗ, giá trị gia tăng tạo ra không tương xứng với chi phí đầu tư. Cho dù lãi suất đã được tính vào chi phí nhưng khi khoản nợ của Vinashin đáo hạn, nhiều người có quyền nghi ngờ khả năng thanh toán của tập đoàn kinh tế này. Một vấn đề nữa là quản lý Nhà nước.

Đến năm 2005, “điểm” về năng lực điều hành vĩ mô của Việt Nam vẫn còn khá cao nhưng sang năm 2006 và đặc biệt là năm 2007, các chỉ số điều hành vĩ mô đều đi xuống. Nền kinh tế nay đã trở nên phức tạp hơn khiến hệ thống kiểm soát và điều hành vốn hoạt động không hiệu quả và cần phải được thay đổi một cách cơ bản. Nhìn lại vấn đề lạm phát, vì không chấp nhận một thực tế là lạm phát ở Việt Nam có nguyên nhân tiền tệ, nên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng cao, Bộ Tài chính vin vào một trong những chức năng của mình là “quản lý Nhà nước về giá” để đưa ra những giải pháp thiếu căn cơ như giảm thuế nhập khẩu hay “động viên” các doanh nghiệp không tăng giá v.v... Kết quả là chính sách tiền tệ, vốn là chức năng của NHNN, không được sử dụng một cách hiệu quả để chống lạm phát.

Theo ông Trần Du Lịch, các đề án, chính sách về tiền tệ vẫn do NHNN trình bày độc lập. Vấn đề nằm ở chỗ là Bộ Tài chính quản lý thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm, NHNN quản lý thị trường tiền tệ trong khi ba thị trường này liên thông với nhau. Nhận thức rõ điều đó, Chính phủ đang triển khai thành lập một ủy ban độc lập giám sát thị trường tài chính. Về những giải pháp kiềm chế lạm phát, ông Trần Du Lịch nói:

- Điều hành tiền tệ linh hoạt và phù hợp, trong đó tập trung vào chính sách tỷ giá hối đoái, vận dụng công cụ lãi suất và vai trò người cho vay cuối cùng. Xem xét lại công cụ thuế. Có ý kiến đề xuất sử dụng chính sách độc quyền giá nhưng tôi thấy khó vì không dễ kiểm soát được chi phí của doanh nghiệp. Chẳng hạn như quy định chi phí trần cho hoạt động quảng cáo tiếp thị ở mức 10%. Với các tập đoàn kinh tế, khoản chi phí này rất lớn và nếu họ không sử dụng hết thì sẽ trở thành lợi thế đưa vào trong cạnh tranh. Chính phủ cũng đang cân nhắc áp dụng chính sách thị trường hóa, nghĩa là chỉ giữ vai trò điều tiết gián tiếp, để giá cả được quyết định bởi chính sách cung cầu. Tuy nhiên, việc này chỉ có thể khả thi nếu như không còn độc quyền.

Nguyễn Hữu Nam - Phó Chủ tịch HĐQT phụ trách Chiến lược Công ty cổ phần chứng khoán Gia Quyền: “Chúng ta cần xác định một góc đứng để Việt Nam có lợi thế bởi tiềm năng sẵn có, tạo thế mạnh kinh tế thật sự và tránh lạm phát trong tương lai”
Ông Nguyễn Hữu Nam, Phó Chủ tịch HĐQT Phụ trách Chiến lược Công ty Chứng khoán Gia Quyền, bây giờ mới có cơ hội phát biểu. Ông cho rằng việc đồng nội tệ của chúng ta neo giá vào đồng USD tiềm ẩn nhiều rủi ro và cần thiết phải đa dạng hóa ngoại tệ trong dự trữ ngoại hối:

- Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ cắt giảm lãi suất hai lần trong năm, xuống còn 4,5%, là tín hiệu cho thấy Hoa Kỳ muốn giảm giá đồng tiền để tăng cường xuất khẩu, kích cầu trong nước, đồng thời cứu vãn khủng hoảng tín dụng địa ốc tại nước này. Nhìn sang Trung Quốc, dự trữ ngoại hối của nước này đã vượt trên 1.300 tỉ USD, họ đang tung tiền ra đầu tư vào thị trường vốn ở các nước như Mỹ, Nhật, EU, để giảm thiểu rủi ro cho dự trữ ngân sách có cơ cấu đồng USD cao.

Các nước Trung Đông hiện cũng đang chuyển đổi cơ cấu dự trữ ngoại tệ, giảm bớt tỷ lệ đồng USD. EU cũng không cắt giảm lãi suất theo Mỹ như mọi khi. Những dấu hiệu này cho thấy những quốc gia xuất khẩu lệ thuộc vào đồng USD phải dè chừng. Ở góc độ kiềm chế lạm phát, tôi nghĩ một là cần đa dạng hóa chủng loại tiền. Hai là “dĩ độc trị độc”, căn cứ trên giỏ hàng hóa để tính CPI và tính lạm phát mà cho nhập hàng hóa về để tạo áp lực cạnh tranh với các nhà sản xuất trong nước, đồng thời cân bằng áp lực cung và cầu để từ đó kiềm chế lạm phát tạm thời.

Do lạm phát dựa trên CPI mà CPI thì dựa trên chi phí để mua giỏ hàng hóa, dựa trên một liều thuốc giảm đau ngay lập tức (nếu bị đau), để có thể thận trọng đưa ra một phác đồ điều trị dài hạn và chuẩn mực cho lạm phát. Mặt khác, đã vào WTO, chúng ta cũng cần xác định một góc đứng để Việt Nam có lợi thế bởi tiềm năng sẵn có, tạo thế mạnh kinh tế thật sự và tránh lạm phát trong tương lai.

Ví dụ, về chiến lược, nếu chúng ta tập trung vào lĩnh vực công nghiệp nặng thì lĩnh vực này chúng ta không thể cạnh tranh nổi với Trung Quốc. Singapore thì lựa chọn công nghệ sinh học cũng là một cách xây dựng lợi thế khác biệt với Trung Quốc và Ấn Độ v.v… Tôi nghĩ Việt Nam nên lựa chọn một vài mũi nhọn ví dụ như du lịch, may mặc thời trang, thủy hải sản - những ngành ít bị chi phối bởi các cam kết khi gia nhập WTO mà có chính sách phát triển.

Nền kinh tế Việt Nam những năm vừa qua tập trung phát triển theo chiều rộng, xuất phát từ quan điểm giải quyết vấn đề lao động, nhưng chính vì vậy mà không đi vào chiều sâu.

Chuyên viên kinh tế Trần Bá Tước: “Năng suất lao động và đầu tư hiệu quả thấp là hai vấn đề căn bản”
Quay trở lại với cuộc tọa đàm, ông Trần Bá Tước nói:

- Năng suất lao động và đầu tư hiệu quả thấp là hai vấn đề căn bản. Nguyên nhân là do quản trị xã hội không tạo điều kiện để giảm giá thành, cạnh tranh với người ta.

Ông Phan Chánh Dưỡng tán thành:

- Giá thành sản phẩm chưa cạnh tranh được với thế giới là bài toán quyết định. Chúng ta phải xác định rằng đối tượng cạnh tranh của chúng ta hiện nay là toàn cầu, chứ không chỉ là trong nước. Nền kinh tế Việt Nam ngày càng mở nhưng chúng ta không có cơ sở để tạo ra lợi thế cạnh tranh. Thiếu yếu tố này, doanh nghiệp sẽ chạy ăn từng bữa, không có tích lũy và hệ quả là không thể tái đầu tư, đổi mới công nghệ. Sau 20 năm Đổi mới nhưng chúng ta vẫn chỉ bán hai thứ: máu người lao động và tài nguyên mà ông cha để lại. Nhiều năm trước, các công ty đầu tư cùng lúc đầu tư vào Việt Nam và Trung Quốc. Vậy mà bây giờ có người lại chờ đợi những công ty ở Trung Quốc giải thể để chạy sang nước ta do họ thay đổi cơ cấu kinh tế.

Ý kiến trên của ông Phan Chánh Dưỡng cũng đã khép lại không khí sôi nổi của buổi tọa đàm. Thời gian một tiếng rưỡi đồng hồ để bàn về một vấn đề rộng như lạm phát rõ ràng là chưa đủ. Cuối năm nói chuyện lạm phát cũng là một cách tống tiễn những gì không vui của năm cũ. Như lời nhắn nhủ của các khách mời trước khi chia tay: Hãy lạc quan mà sống và làm việc.

Theo THƯỢNG TÙNG
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần


Friday, December 28, 2007

Bác Việt ạ, cháu thích bài này ^^!!!

Những ghi chú về kinh tế Việt Nam trong sổ tay

Bài viết của TS. Vũ Quang Việt - Trưởng nhóm chuyên gia phân tích thuộc Cục Thống kê Liên hiệp quốc (New York).

Tôi đã định viết một bài nhằm đánh giá chất lượng nền kinh tế và khả năng điều hành nền kinh tế của Nhà nước hiện nay. Nhưng rồi thấy đề tài như thế cần nhiều số liệu thống kê mà hệ thống quản lý nhà nước vẫn chưa làm hoặc có làm nhưng chưa công bố đầy đủ, vậy chỉ có thể trình bày các ghi chú.

Vấn đề thông tin thống kê

So với trước đây, có thể thấy một số chuyển đổi khá tốt về việc cung cấp thông tin của Tổng cục Thống kê, tuy nhiên các ngành khác vẫn bình chân như vại. Mạng Ngân hàng Nhà nước gần như không có thông tin. Đành phải dùng số liệu về tiền tệ tín dụng Việt Nam nộp cho IMF, hoặc ADB nhưng rồi gặp vấn nạn mỗi nguồn một phách.

Có lẽ những nơi này phải sử dụng một số số liệu được cung cấp, tìm thêm số liệu từ các nguồn khác và rồi tự tính. Vẫn không hiểu tại sao thông tin về tiền tệ tín dụng, Ngân hàng Nhà nước chỉ ưu ái cho tổ chức và người nước ngoài nhưng lại giữ bí mật với dân đến thế.

Mạng của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có khá hơn một chút, có một số các văn bản, nhưng muốn theo dõi thông tin có tính chất tổng hợp thì không biết tìm ở đâu. Không hiểu nhiệm vụ theo dõi, tổng hợp thông tin về thị trường chứng khoán thuộc về ai: Ngân hàng Nhà nước như ở Mỹ hay Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Cứ theo nhiệm vụ được giao cho ủy ban này là “thực hiện chế độ báo cáo về chứng khoán và thị trường chứng khoán…” và “tổ chức nghiên cứu khoa học về chứng khoán và thị trường chứng khoán” thì ắt nhiệm vụ thu thập thống kê về thị trường chứng khoán phải thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Tìm thông tin hàng ngày về chứng khoán thì phải đến các sàn giao dịch riêng như ở TPHCM và Hà Nội là đương nhiên, nhưng đây không phải là nơi thu thập mà chỉ là nơi phải cấp thông tin để Nhà nước nắm tình hình, chẳng hạn như về giá trị cổ phiếu mà người nước ngoài hiện nắm giữ. Những thông tin này cực kỳ cần thiết để Nhà nước ra quyết sách. Việc rút khỏi thị trường của vốn nước ngoài có thể làm tê liệt nền kinh tế.

Nói về thông tin thì không phải chỉ xem có thông tin hay không mà cũng phải duyệt qua chất lượng thông tin. Bộ Tài chính có khẩu hiệu khá ấn tượng “công khai ngân sách nhà nước” trên mạng của bộ. Các nước thường công bố thu chi ngân sách tạm kết toán ngay sau năm tài khóa, để so với dự toán, rồi sau đó điều chỉnh dần cho đến khi có quyết toán (ngay ở châu Âu, nhiều nước tiếp tục điều chỉnh ít nhất là năm năm sau đó, không phải chỉ vì các khoản chi thu cần được làm sáng tỏ mà còn vì sự thay đổi của nguyên tắc kế toán).

Ở nước ta, Bộ Tài chính mới chỉ quyết toán năm 2005 vào gần cuối năm 2007, tức là gần hai năm sau mới đưa ra số liệu. Tuy vậy, số liệu năm 2005 này giúp ta thấy được một tình trạng khá kinh ngạc mà hình như chưa ai để ý tới: đó là sự khác biệt lớn giữa quyết toán và dự toán.

Thí dụ năm 2005, quyết toán chi là 313.000 tỉ so với dự toán chi do Quốc hội định là 230.000 tỉ, cao hơn 36%, (nếu trừ đi phần đã xuất quỹ nhưng chuyển sang năm tới để chi thì quyết toán chi vẫn cao hơn dự toán là 28%). Đây một con số quá lớn làm ta phải đánh dấu hỏi về khả năng kiểm soát thu chi nhà nước của Quốc hội.

Kể ra, công khai như thế cũng đã là bước tiến “nhảy vọt” kể từ sau đổi mới bởi trước đó ngân sách là bí mật quốc gia. Tuy nhiên, bộ cũng cần thêm bước “tiểu nhảy vọt” nữa vì trong ngân sách hiện nay vẫn có đến 12-15% ngân sách chi cho sự nghiệp suốt từ năm 2000 đến nay không biết chi vào đâu. Ngoài ra mỗi năm lại còn một phần khá mù mờ, đó là phần đã xuất quỹ nhưng chưa quyết toán, năm nào cũng lớn, thí dụ năm 2004 lên tới 9% chi ngân sách. Nói tóm lại, số liệu cho thấy có trên 20% chi ngân sách chưa có lời giải thích.

Số liệu về lao động có việc làm là thông tin quan trọng để đánh giá chất lượng kinh tế, và nhằm theo dõi sát sao tình hình kinh tế. Các nước thường xuất bản số liệu này hàng tháng, còn Tổng cục Thống kê chỉ điều tra hàng năm vào tháng 7, nhưng số liệu công bố vào lúc này trên mạng thì chỉ có đến năm 2004.

Khởi sắc và vấn đề mới phải đối mặt

Tốc độ tăng GDP có thể nói là khởi sắc. Nợ nước ngoài thấp. Khả năng trả nợ không có vấn đề. Việc Việt Nam gia nhập WTO đã mở rộng thêm khả năng gắn bó và mở rộng thị trường với kinh tế thế giới mà không còn bị vấn đề chính trị ngăn cản.

Sự hồ hởi của người nước ngoài với nền kinh tế Việt Nam là chưa từng thấy. Điều này đã phản ánh qua luồng ngoại tệ đổ vào Việt Nam cao nhất từ xưa đến nay từ đầu tư trực tiếp đến đầu tư gián tiếp qua việc mua cổ phiếu và trái phiếu Việt Nam. Khi số liệu thống kê năm 2007 được thu thập đầy đủ, ta sẽ thấy rõ vấn đề này hơn.

Năm 2007, số ngoại tệ đưa vào Việt Nam mà Ngân hàng Nhà nước mua vào đã lên tới 9 tỉ USD hoặc hơn. Chính vì vậy, Việt Nam đang cố tìm cách quản lý tình hình phức tạp này. Ngoại tệ vào nhiều tạo ra hai vấn đề. Số cung ngoại tệ nhiều sẽ làm ngoại tệ mất giá, hay nói khác đi, tiền đồng lên giá đối với ngoại tệ.

Vấn đề thứ hai là việc phát hành tiền đồng để đổi ngoại tệ sang tiền đồng đã làm tăng số cung tiền đồng trên thị trường. Điều này nếu không có biện pháp xử lý nhằm triệt tiêu số tiền đồng trên sẽ làm lạm phát nhảy vọt. Không thể phát hành trái phiếu nhà nước vì tiền thu về, Bộ Tài chính sẽ đem ra chi, làm tăng áp lực lạm phát.

Thực tế trong tình hình hiện nay là phải giảm chi của Bộ Tài chính. Như vậy, chỉ có Ngân hàng Nhà nước mới có thể làm việc triệt tiêu tiền trên thị trường bằng cách phát hành trái phiếu ngân hàng thu tiền về và giữ trong kho.

Vấn đề phát hành tiền đồng quá trớn đã xảy ra từ lâu, lạm phát cao cũng đã xảy ra từ lâu, ít ra từ năm 2004. Luồng ngoại tệ đổ thêm vào Việt Nam năm 2007 chỉ như đổ dầu thêm vào lửa thôi. Hiện tượng phát hành tiền Việt quá nhiều trong thời gian dài là nhằm vào mục đích tăng chi tiêu nhà nước, nhất là vào đầu tư để chạy đua lập thành tích đạt con số tăng GDP cao.

Do đó không thể đánh đồng tỷ lệ tăng GDP cao với tỷ lệ phát triển kinh tế. GDP to nhưng bị cắt xén bỏ túi riêng, chất lượng xây dựng thấp kém, ô nhiễm môi trường nặng nề, tăng tỷ lệ nghèo đói…

Lạm phát và mầm mống của bất ổn

Giá tăng liên tục có lẽ đang làm tăng tỷ lệ dân không đủ ăn, phá vỡ một thành tích đạt được trong thời đổi mới, đặc biệt là lạm phát giá lương thực và thực phẩm trong 10 tháng đầu năm lên trên 10%, riêng lương thực là 15%.

Không đủ ăn được định nghĩa là không đủ 2.100 calories hàng ngày và tính theo thời giá là 200.000 đồng một tháng. Tỷ lệ dân không đủ ăn là 19,5% năm 2004 theo nghiên cứu của Việt Nam công bố trên website của World Bank. Như vậy có đến hơn 16 triệu người không kiếm nổi 200.000 đồng một tháng.

Lạm phát cao và liên tục làm người có lương cố định nghèo đi. Từ năm 2000 đến nay, nếu không được tăng lương thì mức sống của người lao động vào năm 2006 đã giảm 42%. Dân lao động khó có thể ngồi yên mà không đòi tăng lương, và việc tăng lương lại góp thêm vào vòng xoáy lạm phát.

Lương tăng nhưng giá trị tiền đồng lại lên giá so với ngoại tệ, làm cho chi phí sản xuất tăng cao, sẽ ảnh hưởng đến đầu tư nước ngoài, vì hàng Việt Nam mất khả năng cạnh tranh về giá. Điều này lại càng làm cho cán cân xuất nhập khẩu âm lớn hơn hiện nay.

Có một hiện tượng nghịch lý trong nền kinh tế Việt Nam từ năm 2004 đến nay là việc tăng tín dụng, phát hành tiền đã làm tăng lạm phát, làm tiền đồng nhanh chóng mất sức mua trong nội bộ nền kinh tế, trong khi đó giá trị tiền đồng so với đồng USD Mỹ lại tăng giá, làm mất tính cạnh tranh của hàng Việt Nam. Trong vòng bốn năm qua đồng Việt Nam đã lên giá 13% so với đồng USD Mỹ.

Nếu ai hỏi tôi về chính sách ưu tiên cần thực hiện hiện nay thì tôi phải trả lời đó là chống lạm phát. Nếu không làm, xã hội sẽ ngày càng mất ổn định. Thật khó hiểu khi nhiều nhà làm chính sách vẫn hô hào làm sao giữ lạm phát thấp hơn tốc độ phát triển là được.

Nếu lạm phát cứ 8% hoặc cao hơn mỗi năm, người lao động ngày càng nghèo, người có tài sản ngày càng giàu vì mọi người có khả năng sẽ đổ xô mua tài sản vì nó là biện pháp duy nhất bảo vệ giá trị tài sản. Lúc đó thì tốc độ tăng trưởng dù có đạt 8 hay 10% chỉ có lợi cho người giàu, còn người nghèo sẽ bị bỏ lại bên lề xã hội. Mà người nghèo có thể tới 80-90% dân số chứ không ít. Trước đổi mới, lạm phát làm mọi người cùng nghèo. Hiện nay chỉ có dân không có tài sản mới bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, lại có lý luận hết sức buồn cười là lạm phát hiện nay là do giá dầu tăng. Cứ nhìn thống kê thì thấy lạm phát ở Việt Nam không mới, đã ở mức không chấp nhận được từ năm 2004.

Lý luận trên ngược lại với những thông tin sẵn có về lạm phát thấp ở nhiều nước mặc dù họ cũng gặp vấn đề giá dầu tăng. Việt Nam là một trong những nước có tốc độ tăng giá cao nhất. Trong sáu năm qua, đồng tiền đã mất sức mua 42%. Còn những nước không có xăng dầu như Nhật thì giảm phát, Singapore và Hàn Quốc thì lạm phát rất thấp dù họ không có dầu hỏa.

Tất nhiên việc tăng giá dầu có tác động đến mặt bằng giá chung, nhưng chính sách tiền tệ và tín dụng đúng đắn vẫn có khả năng điều chỉnh. Hiện nay, năm 2007, Mỹ có bị áp lực tăng giá do giá dầu tăng, nhưng cũng chỉ tới mức 3,5%. Nhật vẫn tiếp tục âm. Còn Thái Lan, Singapore đều dưới 2,7%, Malaysia dưới 2%.

Các nước khác lạm phát cao thì đều là do sai lầm về chính sách, chứ không chỉ vì giá dầu. Chỉ nhìn tốc độ tăng tiền tệ hay tín dụng hàng năm ở Việt Nam là biết tại sao giá tăng.

Chạy đua và gian dối

Việc chạy đua đạt tốc độ tăng GDP thần kỳ đã phổ biến rộng khắp toàn xã hội. Những con số mới nhất mà các tỉnh đưa ra cho thấy tốc độ tăng GDP của họ là thần kỳ giả tạo. (Đáng lẽ vấn đề công bố thống kê phải thuộc Tổng cục Thống kê chứ không thuộc tỉnh). Những con số mà mà các tỉnh báo cáo cho thấy điều phi lý là họ chạy nhanh hơn cả nước.

Với tình trạng hiện nay, trung ương chạy đua và các tỉnh cũng cùng chạy đua theo tiếng còi chỉ tiêu GDP. Không biết đầu tư từ ngân sách (lên đến trên 9% GDP, bằng một phần ba ngân sách) sẽ phí phạm biết chừng nào.

Đã là một nền kinh tế thị trường thì đáng lẽ việc đạt tốc độ tăng không nằm trong tay Nhà nước mà trong tay doanh nghiệp và dân chúng. Vậy thì có lý gì phải có chỉ tiêu tăng GDP để phí phạm.

Đồng ý là cần dự báo GDP để cả Chính phủ lẫn doanh nghiệp có thể tính toán về thị trường và về nhu cầu đầu tư cho hạ tầng như điện, nước, đường sá, cầu cảng... nhưng không nên xem nó là chỉ tiêu phải đạt để rồi phí phạm ngân sách. Dự báo và chỉ tiêu là hai điều hoàn toàn khác nhau.

Source: vneconomy.
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Vài dòng cảm nghĩ :)
- Cháu mạn phép bác Việt, nếu cháu đặt title thì sẽ là: NOTES trong sổ tay về kinh tế Việt Nam.
Theo thiển ý của cháu thì "ghi chú" cũng quan trọng để hiểu thêm. Nhưng ghi chú nếu ko có thì ko sao. Còn đây là vấn đề to oành, ko thể nào bỏ qua nổi!!!)
- Ở cuối, nếu bác "tóm lại" vài câu gì đó thì thích hơn :)
- Cháu chờ được đọc nhiều bài của bác hơn hơn nữa :).

(Nói vậy, chả bít có bao h bác đọc mấy dòng này)

Friday, December 14, 2007

Entry for December 15, 2007: Mỗi ngày tôi chọn 1 niềm vui!

Xem quảng cáo của ACB, mới thấy bài này thật là hay. Quảng cáo í cũng hay thật. (Ai chưa xem thì xem đi :p)

Sáng tác: Trịnh Công Sơn

Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui
Chọn những bông hoa và những nụ cười
Tôi nhặt gió trời mời em giữ lấy
Để mắt em cười tựa lá bay

Mỗi ngày tôi chọn đường mình đi
Đường đến anh em đường đến bạn bè
Tôi đợi em về bàn chân quen quá
Thảm lá me vàng lại bước qua

Và như thế tôi sống vui từng ngày
Và như thế tôi đến trong cuộc đời
Đã yêu cuộc đời này bằng trái tim của tôi

Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui
Cùng với anh em tìm đến mọi người
Tôi chọn nơi này cùng nhau ca hát
Để thấy tiếng cười rộn rã bay

Mỗi ngày tôi chọn một lần thôi
Chọn tiếng ru con nhẹ bước vào đời
Tôi chọn nắng đầy, chọn cơn mưa tới
Để lúa reo mừng tựa vẫy tay

Và như thế tôi sống vui từng ngày
Và như thế tôi đến trong cuộc đời
Đã yêu cuộc đời này bằng trái tim của tôi

Mỗi ngày tôi chọn ngồi thật yên
Nhìn rõ quê hương, ngồi nghĩ lại mình
Tôi chợt biết rằng vì sao tôi sống
Vì đất nước cần một trái tim !

------------------------------------------------------------------

Mà, mình cũng thích cách của Thanh. "Mỗi ngày em trọn 1 niềm vui". Theo cách nào cũng hay, nhỉ :x.


Đời ơi, em yêu đời!!!

Wednesday, December 5, 2007

Are you there?

Tự nhiên thấy sợ. Dù bình thường, đượ c cái khá lạc quan và ko sợ ma.

Nhưng sợ nhìn list dài thật là dài, mà toàn những ava xám ngắt, đen ngòm. Mơ hồ thấy cảm giác lạnh lẽo và xám xịt y như thế. Sợ. Chuyển nik sáng ngay. Ko dám invi nữa.

Thường xuyên, cảm thấy mọi thứ okay - như nó vốn thế.

Thỉnh thoảng, thấy tất cả - hoặc là hầu như tất cả - trở nên làm sao í - như khi máy tính bỗng nhiên bị down. À ko, giống như khi máy tính of mình "được" bạn Hưng "oanh tạc", vừa trống hoác, vừa ngổn ngang rác, vừa mới toe loe như đến từ hành tinh khác. Xa cách và lạ lẫm, ko nắm bắt được.

r u there?

Thôi, rồi time sẽ lại quen thôi.

Monday, December 3, 2007

Entry for December 03, 2007

Thiếu tiền mặt
(Adapted from content excerpted from the American Express® OPEN Small Business Network)

Đó là sáng Thứ Hai và bạn không có đủ tiền mặt trong tay để trả lương vào ngày Thứ Sáu. Bạn có những lựa chọn nào? Việc thiếu tiền mặt ảnh hưởng đến mọi công ty. Lý tưởng là, bạn có thể vượt qua những khủng hoảng này bằng cách vay được tiền hoặc gia hạn khoản vay mà bạn đã thu xếp được với ngân hàng, hoặc sử dụng số tiền dự trữ mà bạn đã dành riêng để sử dụng trong những trường hợp như vậy. Song bạn có thể làm gì nếu việc thiếu tiền xảy ra ngoài kế hoạch của bạn? Dưới đây là một số cách chữa cháy giúp bạn vượt qua lúc khẩn cấp này:

*
Mua bán các khoản nợ phải thu
*
Nhanh chóng thu nợ của bạn
*
Hỏi vay tiền ở nhà cung cấp
*
Cho thuê lại tài sản của bạn
*
Thẻ tín dụng
*
Tung hứng các hoá đơn đòi tiền bạn

Bán các khoản nợ phải thu

Những người mua bán nợ sẽ mua rất nhanh bằng tiền mặt những khoản nợ phải thu của bạn - thường là trong vòng 24 giờ. Bạn phải trả cho họ một giá cao, thường là khoảng 15% trị giá khoản phải thu, nhưng bạn có thể nhận được tiền mặt ngay trong vòng một thời gian rất ngắn. Và khi những người này mua các khoản nợ phải thu, họ sẽ lo luôn tất cả các việc giấy tờ và thủ tục cần thiết. Vì việc bán các hoá đơn thu tiền cho những người kinh doanh được bảo mật, nên không ai biết bạn bị thiếu tiền mặt. Để tìm được những người mua bán nợ này, bạn hãy tìm trong những trang vàng dưới tên "các công ty thương mại tài chính."

Nhanh chóng thu hồi nợ

Trước tiên, bạn hãy hướng tới những khách hàng lâu dài và đáng tin cậy của bạn, những người đã luôn thanh toán cho bạn đúng hạn. Bạn hãy hỏi một vài người khách hàng tốt nhất rằng họ có thể trả hết các hoá đơn, hoặc trả sớm một phần những hoá đơn đó. Bạn hãy lạc quan và chân thành khi nói với họ rằng bạn đang kẹt tiền mặt và sẽ rất cảm kích nếu họ có thể trả tiền bạn ngay. Bạn hãy cân nhắc việc thưởng cho các khách hàng này nếu họ trả tiền sớm - có lẽ khoảng 1%-2% trên tổng trị giá các hoá đơn.

Đối với các khách hàng đã nợ quá lâu, bạn hãy đề nghị miễn cho họ khoảng 15% hoặc thậm chí 25% số nợ tồn đọng nếu họ trả cho bạn trong vòng tuần đó. Đây không phải là giải pháp rẻ, nhưng cũng không đắt hơn việc bạn đi vay thêm nợ. Và nó còn có thể làm cho bạn thấy được một số lợi ích khác nữa.

Hỏi vay tiền ở nhà cung cấp

Bạn có phải là khách hàng lớn của nhà cung cấp nào không? Nếu có, bạn hãy cân nhắc việc hỏi vay một khoản tiền từ nhà cung cấp này. Hãy thử hỏi những nhà cung cấp đã có mối quan hệ lâu năm (những người không phải là đối thủ cạnh tranh) và nói rằng đây chỉ là chuyện hi hữu. Vì bạn là khách hàng ổn định đối với hàng hoá và dịch vụ của họ nên những nhà cung cấp thường có chính sách khuyến khích để giữ bạn lâu dài. Bạn hãy thể hiện sự cảm kích của bạn đối với họ bằng việc thanh toán thật nhanh ngay khi bạn vượt qua cơn khủng hoảng.

Cho thuê lại tài sản của bạn

Nếu đồ gỗ trong văn phòng của bạn, máy vi tính, hệ thống điện thoại hoặc các thiết bị khác có giá trị tiền mặt nhưng bạn không thể bán chúng vì công việc kinh doanh của bạn vẫn đang tiếp diễn. Điều bạn có thể làm là tìm một công ty cho thuê tài chính, bán những thứ đó cho họ và sau đó bạn thuê lại chúng. Số tiền mà bạn có được sẽ dựa trên giá trị những tài sản của bạn, và công ty cho thuê có thể sẽ tính phí cao đối với bạn. Bạn hãy sử dụng giải pháp này một cách thận trọng. Vì công ty cho thuê chứ không phải bạn sẽ làm chủ các thiết bị của bạn nên họ sẽ không ngần ngại lấy lại chúng nếu bạn mất khả năng thanh toán.

Thẻ tín dụng

Các thẻ tín dụng được quản lý khéo léo có thể giúp bạn vượt qua cơn khủng hoảng tiền mặt. Song bạn hãy thận trọng: một số nhà kinh doanh nhỏ đã đưa công ty tới thành công bằng nợ thẻ tín dụng chỉ là những trường hợp ngoại lệ chứ không phải là thông lệ. Nợ thẻ tín dụng mang theo mức lãi cao hơn nhiều so với vay ngân hàng hoặc vay nợ tín dụng. Trừ phi bạn có thể thanh toán nhanh, nếu không số tiền lãi phải trả hàng tháng sẽ làm cho dòng tiền của bạn trong tương lai bị lâm nguy. Nếu bạn không có sự lựa chọn nào khác, bạn hãy sử dụng cách nợ thẻ tín dụng như là một khoản vay ngắn hạn và phải thanh toán ngay trong vòng một vài tuần.


Tung hứng hoá đơn đòi tiền

Nếu bạn không có tiền trả lương cho nhân viên, họ sẽ nhanh chóng tìm kiếm công việc ở nơi khác. Các nhà cung cấp có thể sẽ nhanh chóng tha thứ cho một hoặc hai kỳ thanh toán chậm. Bạn hãy gọi điện cho các chủ nợ của bạn và yêu cầu gia hạn thêm thời gian, hoặc thu xếp cho bạn chỉ thanh toán một phần nợ tồn đọng của tháng đó. Bạn hãy kiểm tra kỹ các hoá đơn để xác định rõ những hoá đơn nào phải trả ngay, những hóa đơn nào có thể hoãn lại. Hãy thanh toán trước cho những chủ nợ có ảnh hưởng quan trọng đến công việc kinh doanh của bạn, các chủ nợ khác sẽ thanh toán sau. Song bạn đừng chểnh mảng việc thanh toán. Việc cần làm trước tiên là phải giải thích tình trạng khó khăn của bạn cho các chủ nợ biết.

(source: Business Edge)

Tuesday, November 27, 2007

[Chủ nhật, 25.11.07.] Hãy yêu nhau đi!

Không phải là đối lập.
Như cái xoáy âm dương: trong âm có dương và trong dương có âm. Dương thịnh thì âm suy, âm thịnh thì dương suy. Nhưng ngay trong dương thịnh thì thấy cái “tâm” của âm, và trong âm thịnh thì thấy cái “tâm” của dương.
Sự chết, là 1 phần của sự sống.
"Không có đâu em này, không có cái chết đầu tiên
Và có đâu bao giờ, đâu có cái chết sau cùng…"
*
Một màu đen đen… một màu trắng trắng…
Đáng ra nó là như thế. Nhưng mình nghĩ đến sự trọn vẹn, thanh thản và bình yên, nên không muốn vậy. Là một màu xanh nhiều hy vọng, một màu xanh sâu sắc - thì hơn!
Nên, trong khi mọi người đang khóc, cố gắng mỉm cười một cái. Nghĩ rằng người đang nhìn đám đông đầy tuyệt vọng, sẽ đỡ mệt hơn khi thấy một nụ cười. Vì dẫu khóc hay cười, từ trong Tâm đều mong mỏi “thượng lộ bình an”.
Vĩnh biệt – theo nghĩa là phút giây này đã qua thì không bao giờ trở lại. Nên, nói vĩnh biệt thì đúng hơn là tạm biệt.
Chứ không phải vĩnh biệt là không bao giờ gặp lại.
Nhưng, muốn nói “xin chào” nhiều hơn.
- Cháu chào ông ạ.
Chào trọn vẹn, thanh thản, bình yên.
*
Và nâng niu sự sống.

HÃY YÊU NHAU ĐI

Hãy yêu nhau đi khi rừng thay lá
Hãy yêu nhau đi, dòng nước đã trôi xa
Nước trôi qua tim rong đầy trí nhớ
Ngày mãi mong chờ, ngày sẽ thiên thu

Hãy ru nhau trên những lời gió mới
Hãy yêu nhau cho gạch đá có tin vui
Hãy kêu tên nhau trên ghềnh dưới bãi
Dù mai nơi này người có xa người

Hãy yêu nhau đi quên ngày u tối
Dù vẫn biết mai đây xa lìa thế giới
Mặt đất đã cho ta những ngày vui với
Hãy nhìn vào mặt người lần cuối trong đời

Hãy yêu nhau đi bên đời nguy khốn
Hãy yêu nhau đi bù đắp cho trăm năm
Hãy yêu nhau đi cho ngày quên tháng
Dù đêm súng đạn, dù sáng mưa bom

Hãy trao cho nhau muôn ngàn yêu dấu
Hãy trao cho nhau hạnh phúc lẫn thương đau
Trái tim cho ta nơi về nương náu
Được quên rất nhiều ngày tháng tiêu điều



Tuesday, November 20, 2007

Entry for November 20, 2007

Từ biệt

Từ biệt thầy chúng em chẳng nói được gì đâu
Trước biển chim hải âu ko bao giờ hát
Thời gian trôi qua mái tóc thầy thêm bạc
Chúng em lớn lên năm tháng rộng dài

Từ biệt thầy chúng em chẳng vui đâu
Nhưng cuộc chia tay này ko ai được khóc
Mùa hạ cuối gạt thầm dòng nước mắt
Để thành sao
thắp sáng thiên hà

Từ cánh cổng trường chúng em ra đi
Ghi nhớ mãi nơi thầy còn ở lại
Và mang theo trong lòng mỗi người một mùa phượng cháy

Dẫu trước thầy chúng em chẳng nói được gì đâu...
*
20.11. Em đi thăm được 1 số rất rất ít các thầy cô. Và ko đi thăm được rất rất nhiều các thầy cô.
Nhưng, với mọi thầy cô đã gặp, đều thích “tiết mục” chào hỏi và sẽ ngồi để thầy cô “chỉ mặt đặt tên” từng đứa.
Từ đầu, em cứ hồn nhiên nghĩ các thầy cô sẽ nhớ hết thôi, như là tụi em cũng nhớ hết các thầy cô vậy. Nhưng hóa ra là quy luật của thời gian… và hơi hơi chạnh lòng: thời gian ơi…
Trừ thầy Thành, sau khi gọi hết tên bố và mẹ em ra rồi mới nhớ dc em là ai, thì mọi người đều nhớ em :)
*
Tẩn mẩn kể ra các thầy cô đã học, từ ngày xửa xưa đến giờ.
Cô Hoàn, cô Viết, cô Gái, cô Thu, cô Trần Lan, cô Nguyệt. Cô Lê Dung, cô Hoa, thầy Quảng, cô Hạnh, cô Minh Nguyệt, cô Ánh Nguyệt, cô Thanh, cô Bẩy, thầy Tiếu, thầy Hựu, thầy Hiển, thầy Tường, thầy Thành, thầy Hưởng, cô Bình, cô Thủy, thầy Xuân.
Cô Lâm, cô Sửu, cô Miến, cô Sơn, cô Tân, cô Liên và cô Liên, cô Bích Thu, cô Thanh, cô Hồng, cô Mai, thầy Chiến, cô Hằng, thầy Hướng, thầy Hoan, cô Thọ, thầy Phú, cô Trần Lan, thầy Hoàn, cô Hiền… (ko nhớ hết thật!).
Cô Tâm. Thầy Toản, cô Hoàng, cô Lã Mai, thầy Thành, thầy Tuấn, cô Thảo, cô Tiểu Thúy, cô Hải Anh, thầy Bình, thầy Minh, thầy Lý, cô Lương. Thầy Lợi, thầy Minh,,, Chú, bác Lịch, thầy Cẩn…
Cô Hiền, cô Tố Hoa, thầy Quang, thầy Đức, thầy Tuấn, cô Hương, cô Nhung, thầy Tý, cô Huyền, cô Lan, cô Hương – thầy Hải, cô Giang, thầy Tâm, “anh” Bắc…
Quá sức dài. Có những thầy cô chắc chắn ko thể quên. Có những thầy cô ko nhớ dc thật :(. Và một ít ít thôi, thì ko muốn nhắc đến :(
*
Nhưng dù có nhớ, có quên, có yêu, có ko thích,
Có đến hay ko đến, gặp hay ko gặp, thì, thầy cô ơi, em muốn nói:
THẦY CÔ CÓ THỂ LÀM THAY ĐỔI CUỘC SỐNG CỦA EM!
Cô Trần Lan. Lớp 4 và bước ngoặt đầu tiên. Từ cô và trở thành 5CH member: Cùng với 5CH, em chạm vào phần rộng lớn của thế giới,1 phần khác hẳn phần nhỏ bé của nhà nhỏ - đường đồng – trường Ngũ Hiệp và khu chợ sau trường.
Cô Minh Nguyệt, cô Ánh Nguyệt, thầy Tiếu, thầy Hựu, cô Lê Dung… ngả đường ấy tiếp tục nối dài… Cô Sửu – những bài giảng trong trẻo và đầy cảm xúc… Cô Miến – văn nghị luận chính xác và chặt chẽ - một cách xuất sắc (đấy là thứ văn mà bọn khối A nói riêng và mọi người nói chung cần phải học, để ko fải đối mặt với cái gì cũng nhăn nhó “chả biết viết gì”!)…
Chú. Một chặng đường rất dài rẽ vèo qua ngả khác. Coi như leo 1 ngọn núi mới, đi vào 1 vùng đất mới tinh – tự mình làm đường cho mình, với sự giúp đỡ bao nhiêu của thầy Toản, bác Lịch, thầy Cẩn... và tất nhiên là Chú nữa!
Và là em bây giờ. Là cháu bây giờ :).
*
Rất nhiều thầy cô, là yêu thương và là những dấu ấn sâu sắc về sự nhiệt tình kinh khủng, cách sống, cách nghĩ và vô số những điều nhỏ nhoi…
Như là khi thầy cô nhớ em giữa muôn trùng học trò. Một lời hỏi han nhỏ xíu, một câu vô tư chen trong bài giảng và vô tình trúng vào 1 cái gì đó đang trống hoác trong lòng. Một vài lời khuyên đúng lúc và đúng cách, một vài câu chuyện của bản thân...
Hơn nữa, là như thể Bạn Bè :).
*
Nhưng, không chỉ có thế.
Thầy cô, thậm chí, là những thầy cô chỉ tồn tại trong tâm tưởng của em: thầy Sôsaku Kôbayashi, thầy Albus Dumbledore, thầy Remus Lupin, thầy Snape, thầy Đuysen…
“Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”. Và như vậy, quanh em, còn nhiều thầy cô lắm lắm lắm!!!
*
Một người thầy bình thường – biết nói
Một người thầy giỏi – biết giải thích
Một người thầy xuất chúng – biết minh họa
Một người thầy vĩ đại – biết truyền cảm hứng và đam mê!
Thế, chưa hẳn Vĩ Đại là phải Giỏi và Xuất chúng, chưa hẳn Giỏi và Xuất chúng đã Vĩ Đại.
Theo đó, em chúc các thầy cô Vĩ Đại!

Friday, November 9, 2007

Entry for November 09, 2007

Lật tẩy “trò chơi” đầu tư siêu lợi nhuận



  Minh Đức


Chiều 8/11/2007, lực lượng công an Hà Nội đã tiến hành bắt giữ một số đối tượng trong hệ thống tổ chức đầu tư qua mạng, chính thức lật tẩy một kiểu đầu tư siêu lợi nhuận.

Như đã phản ánh trong một bài báo trước đây, tình trạng có một số cá nhân tự xưng là đại diện của những tập đoàn lớn ở nước ngoài tổ chức huy động vốn tại Việt Nam đang diễn ra khá phổ biến tại Hà Nội và Tp.HCM và được xác định là có dấu hiệu lừa đảo.

Theo nhận định của cơ quan điều tra, đây là một hình thức huy động vốn tín dụng bằng ngoại tệ, theo hình thức đa cấp, hứa trả lãi suất cao, không xin phép Ngân hàng Nhà nước, không tuân thủ các quy định của Nhà nước về hoạt động của các tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam (vi phạm điều 107 và 112 Luật các tổ chức tín dụng, quy định về quản lý bán hàng đa cấp tại Nghị định 110-CP ngày 24/8/2005). Đến nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa cấp giấy phép nào cho công ty nước ngoài hoạt động huy động vốn ngoại tệ qua mạng tại Việt Nam.

Kết quả xác minh của cơ quan điều tra cho thấy, tất cả các công ty huy động vốn qua các trang www.colonyinvest.net, www.callysinvest.com (đã bị sập), www.money100.us, www.c-invest.com (đã bị sập), www.vip-viet.com, www.lasvegasinvest.us... đều không có thật, chỉ có trang web để lừa nhà đầu tư, cấp tài khoản và điểm. Các thông tin trên những trang web này đều là giả hoặc không có thật như số tài khoản, địa chỉ...

Trả lời phóng viên Thời báo Kinh tế Việt Nam, một cán bộ điều tra thuộc Phòng Chống tội phạm công nghệ cao (Cục Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế) cho biết, những trang web nói trên đều đặt máy chủ ở nước ngoài, nhưng hầu hết những người quản trị đều là người Việt Nam và cư trú ở Việt Nam. Riêng trên trang www.colonyinvest.net có tên miền đặt tại Mỹ và có một người quản trị tại Hồng Kông, ghi là có tài khoản tại Ngân hàng HSBC.

Nhưng Ngân hàng HSBC tại Việt Nam thông báo là không có tài khoản đó trong hệ thống. Cơ quan điều tra đang tiếp tục xác minh chi tiết này. Công ty Colony Invest Management Inc - chủ sở hữu trang này, cũng không có đại diện, không có đăng ký kinh doanh, không có trụ sở ở bất cứ nơi nào trên thế giới, không có người đứng ra chịu trách nhiệm. Tất cả những người tham gia đầu tư đều chỉ có quyền truy cập tài khoản của mình do đại lý cấp. Việc đầu tư tiền chỉ trao tay, không có phiếu thu, hóa đơn chứng từ...

Theo kết luận bước đầu của cơ quan điều tra, thực tế có vài người tham gia đã nhận được tiền lãi với mục đích quảng cáo. Nhưng hầu hết đều cho biết là không thể rút được tiền lãi mà chỉ bán lại điểm cho người mới tham gia. Hiện nay một số hệ thống đầu tư nói trên vẫn còn khả năng hoạt động. “Nếu tiếp tục hoạt động, đến thời điểm người tham gia thông báo cho nhau là không thể rút được tiền lãi và không thể bán được điểm ảo thì hệ thống sẽ sụp đổ và những người thiếu hiểu biết là những người mất tiền, hành vi của một số đối tượng đầu mối lúc này cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”-Cơ quan điều tra nhấn mạnh.

Trong số liệu thống kê của cơ quan điều tra thông qua phân tích trang www.colonyinvest.net cho thấy, có khoảng 55,6% lượng truy cập là từ Việt Nam, 32,5% từ Thái Lan, 2,6% từ Trung Quốc, 2% từ Philippines, 1,7% từ Mỹ... Trong đó, tại Việt Nam có khoảng 42,4% ở Hà Nội, 9,5% ở Tp.HCM.

Về mức độ tham gia, cán bộ điều tra nói trên cho biết, số lượng người tham gia lên tới hàng vạn người. Như trong phản ánh của Thời báo Kinh tế Việt Nam, thực tế một số đầu mối nói trên đã tổ chức các cuộc hội thảo tại Bắc Ninh, Lạng Sơn (khoảng 500 người tham gia), Hà Nội (khoảng 1.500 người tham gia). Đầu mối tổ chức hội thảo cũng như tổ chức “đầu tư” là nhân vật Vũ Thị Thu Hằng (thường trú tại Tp.HCM), hiện đã có lệnh bắt giữ. Nhân vật này tự xưng là đại diện cao cấp nhất của một tập đoàn từ Mỹ về Việt Nam để tổ chức huy động vốn.

Chỉ riêng đầu mối Vũ Thị Thu Hằng, cơ quan điều tra xác định từ ngày 16/2/2006 đến 19/10/2007 đã có 256 lượt chuyển tiền vào tài khoản của Hằng với tổng số tiền gần 25 tỷ đồng và không có dấu hiệu chuyển tiếp cho người khác. Cơ quan điều tra cũng xác định, có thể Hằng là tuyến cao nhất, chiếm phần lớn tiền của nhà đầu tư. Đối với những đầu mối nhỏ hơn, số tiền nộp vào cũng lên tới hàng tỷ đồng, có ở Hà Nội, Tp.HCM, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Đồng Nai...

Cuối chiều ngày 8/11/2007, Cơ quan điều tra tiếp tục tổ chức khám xét và bắt giữ một số đối tượng khác và dự kiến sẽ có thêm thông tin để cảnh báo người dân trước hình thức lừa đảo này. Điểm mà nhiều nhà đầu tư lo ngại là hiện nay, khi cơ quan chức năng vào cuộc, một số trang web “đầu tư” đã bị sập thì số tiền mà họ đã tham gia có còn cơ hội lấy lại? Trước hết, khi tham gia, hầu hết họ đều hiểu đây là một hình thức góp vốn theo thỏa thuận, không có hóa đơn, chứng từ, không biết người đại diện, chịu trách nhiệm... Và nhiều người chấp nhận rủi ro vì lợi nhuận quá cao.

Trả lời về khả năng trên, một cán bộ điều tra cho biết, trên thực tế một số người cũng đã lấy lại được một phần vốn thông qua trả lãi hàng ngày, nhưng phần lớn không thu hồi được. Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục lần theo các đầu mối, cố gắng thu hồi lại tiền của nhà đầu tư nhưng đây sẽ là một công việc khó khăn.

Saturday, November 3, 2007

Cháu như mặt trời :)

Cháu như mặt trời…
Cháu như làn sóng êm dịu, như buổi sáng tươi mát.
Một bông hoa trắng ngần đã bừng nở trong tim cháu và làm tràn ngập tâm hồn cháu hương ngát mùa xuân.
Ta rất hiểu cuộc đời, cháu ạ, dù người ta có nói với cháu những gì đi nữa thì cháu hãy cứ tin rằng cuộc đời thật là kỳ diệu và tuyệt đẹp.
Ta đã già rồi, nhưng ta đã hiến tất cả cuộc đời ta, sự nghiệp và tài năng của ta cho tuổi trẻ. Ta đã hiến tất cả mà không đòi trả lại.
Vì thế, có thể, ta còn hạnh phúc hơn cả cháu nữa kia…!

Cháu là đêm trắng với ánh sáng huyền ảo của nó.
Cháu là hạnh phúc.
Cháu là ánh lấp lánh của bình minh…

Cầu Chúa ban phước lành cho mọi vật chung quanh cháu, cho tất cả những gì chạm tới cháu và những gì cháu chạm tới, những gì làm cháu sung sướng và bắt cháu phải trầm ngâm suy nghĩ…

(Lẵng quả thông – K.Pautopxky)

Thơ của Mai meo


Đôi lúc chỉ muốn buông mình
Như con mèo lười sớm nay sưởi nắng
Mà cuộc sống cứ trôi hoài
Có mấy khi trầm lắng?
Để được chìm trong thế giới riêng mình

Một mái nhà xinh...
Mảnh vụn trời xanh biếc...

Những dòng mây của năm tháng lang thang
Cái gì -
Như một chút lỡ làng
Cánh diều đứt và ước mơ bay mất

Bao giờ ngừng trò chơi cút bắt?

Đôi lúc muốn buông mình
Như con mèo lười sưởi nắng sớm nay...


Monday, October 29, 2007

Entry for October 29, 2007

Sự thật, có khi chỉ nằm ở tin hay ko tin.
Và quyết định TIN.

Thursday, October 25, 2007

Đợi anh về

Em ơi đợi anh về
Đợi anh hoài em nhé
Mưa có rơi dầm dề
Ngày có dài lê thê
Thì em ơi cứ đợi

Dù tuyết rơi gió nổi
Dù nắng cháy em ơi
Bạn cũ có quên rồi
Đợi anh hoài em nhé

Tin anh dù vắng vẻ
Lòng ai dù tái tê
Chẳng mong chi người về
Thì em ơi, cứ đợi!

Em ơi em cứ đợi
Dù ai nhớ thương ai
Chẳng mong có ngày mai
Dù mẹ già con dại
Hết mong anh trở lại
Dù bạn viếng hồn anh
Yên nghỉ nấm mồ xanh
Nâng chén tình dốc cạn
Thì em ơi mặc bạn
Đợi anh hoài em nghe
Tin rằng anh sắp về

Đợi anh anh lại về
Trông chết cười ngạo nghễ
Ai ngày xưa rơi lệ
Hẳn cho sự tình cờ

Nào có biết bao giờ
Bởi vì em ước vọng
Bởi vì em mong ngóng
Tan giặc bước đường quê
Anh của em lại về

Vì sao anh chẳng chết
Nào bao giờ ai biết
Có gì đâu em ơi
Chỉ vì không ai người
Biết như em chờ đợi
- C.Ximonop -

No.1 teacher!

Tớ xin dành toàn bộ số phiếu tớ có – trong cuộc bầu cử “NO.1 TEACHER” – nếu có – để bình chọn cho 1 teacher này.

Còn nếu không có cuộc bầu cử í à? Tớ sẽ tự tổ chức một cuộc rồi tự tớ, vừa là ban tổ chức, vừa là ban giám khảo, vừa là khán giả bình chọn (kiêm luôn cả cơ quan báo chí… phát ngôn, tuyên truyền) – để bình chọn cho teacher – mà tớ sẽ khoe ngay với mọi người đây!

Cô giáo tớ xinh. Ừ, tớ biết là hình thức thì không quan trọng đâu, và kể cả nếu cô không xinh thì cũng không có nghĩa rằng cô sẽ không được tớ bình chọn. Nhưng bởi vì cô xinh thật – IMO. Vì thế tớ cứ kể ra .

Cô giáo tớ tác phong rất hiện đại. Tớ nhìn thấy cô và cảm thấy một vẻ của “đúng là con người active”. Bọn tớ hay được vào muộn lắm, vì buổi sáng cô còn đi dạy ở chỗ hơi hơi xa, cần time cho cô nghỉ trưa 1 tẹo. Và cũng lại được về sớm nữa nhé (cái này thì tớ phỏng đoán rằng, chắc tối cô lại bận gì đó nữa – IMO thôi nhé!). Đấy, nhờ sự active của cô nên mỗi buổi học 4 tiết, bọn tớ chỉ cần học 2 – 2.5 tiếng là đủ rồi (chỉ 1 số ít hôm phải học 3 tiếng thôi)! Uầy, lại còn buổi đầu tiên vào lớp, cô giới thiệu cuốn sách gì bằng tiếng Anh í, đại ý là hơi bị quý, hơi bị tốt, hơi bị hay, và cô bảo sẽ cho bọn tớ mượn photo nữa cơ mà. Đấy, thế là đủ thấy cô cực “pro” rồi nhé!

Không. Tớ vẫn muốn nói thêm về sự “pro” của cô. Có vẻ kiến thức của cô hơi bị rộng nhá (tớ không dám nói thẳng tưng: “Kiến thức của cô rất rộng!”, vì tớ làm j` đủ trình mà đánh giá được như thế chứ!). Dẫn chứng á? Tụi tớ hỏi gì cô cũng trả lời (còn cô hỏi gì tụi tớ cũng không biết!). Cô giảng bài khá là dễ hiểu. Đọc lại 10 tờ A4 viết trong 11 tuần học từ đầu đến giờ, tớ thấy hình như là không có chỗ nào phức tạp đến nỗi tớ không hiểu được. Mà, bọn tớ học cũng thực tế lắm. Từ đầu kỳ cô đã bảo bọn tớ tìm báo cáo tài chính của các cty, tớ tìm được 1 đống (đến nay vẫn chưa dùng hết cơ mà!).

Nhưng thôi, tất tật những điều đó đều không quan trọng đâu. Không quan trọng 1 tí tẹo tèo teo nào đâu.
Với tớ, giá trị nằm ở những bài học quý báu cô đã dạy cho mình – mà không 1 thầy cô nào khác đã dạy được. Thật đấy!

1. Tớ học được bài học VỊT PHẢI BIẾT BƠI.

Nghĩa là dù có đứng hoang mang trước mênh mông biển cả, thì cũng phải cắm đầu cắm cổ nhảy ào xuống mà bơi. Đừng nghĩ là có ai sẽ dạy mình nhé!
Nói rộng hơn, điều này đánh thắng vào cái thói đọc – chép thâm căn cố đế của mình. Bi giờ không có cái gì để chép đâu. Cũng chả có cái gì để đọc nốt. Tự xử, tự xử và tự xử.
Tự xử thế nào á? Giống như là vịt phải biết bơi í mà. Cái này đương nhiên là mình phải biết. Không biết thì thử cho biết. Chứ đừng nghĩ là có ai dạy nhé!

2. Tớ học được bài học ĐỪNG CHẾT VÌ THIẾU HIỂU BIẾT.

Hihii, đây hình như là slogan cho cái gì í. Nhưng trong trường hợp này nó có nghĩa là: vì không có hiểu biết, nên người ta nói gì mình cũng tin sái cổ ạ, mình cũng cho đó là chân lý ạ.
Nhưng sự thật đơn giản là – không phải mọi thứ đều là chân lý (hehee, nói như đúng rồi).
Nên mình – cũng rất đơn giản thôi: Phải đủ hiểu biết để nhận ra đâu là chân lý, đâu không phải là chân lý.
Để làm gì? Bét ra là để biết phải – trái, đúng – sai, đen – trắng. Còn nhiều hơn thì là để biết đường mà lên tiếng hỏi lại . Nhiều hơn nữa là, biết nên làm thế nào cho đúng.
Giống như là 1 cô gái H’mông, 1 chàng trai Mường Tè ấy. Nếu có hiểu biết thì họ sẽ biết là phải đi viện khi bị bệnh, chứ đừng có cúng ma miếc gì cả!

3. Tớ học được bài học về TRUYỆN TRUYỀN THUYẾT.

Nghĩa là, chả có cái gì là toàn phần thế này, toàn tập thế kia.
Thẳng thừng và thô thiển là: chả tin được thằng nào đâu. Học lấy cách mà nghi ngờ!
Điều này khác với cái “đừng chết vì thiếu hiểu biết”, mọi người ạ. Nó cao siêu hơn cái sự “chết vì thiếu hiểu biết” hẳn 1 tầng. Đây là chết vì tin tưởng quá.
Thế sao lại liên quan gì đến truyền thuyết nhỉ?
Hihii, nó giống chuyện Mỵ Châu – Trọng Thủy.

4. Tớ học được cả bài học về MÔN VẬT LÝ nữa.
Thực ra tớ chả hiểu nói như này có chính xác không, nhưng tớ tạm gọi đấy là sự LAN TRUYỀN SÓNG.
Nghĩa là: Vâng, tớ tưởng là tớ làm gì thì kệ tớ, chả ảnh hưởng đến thời sự cả trong nước cũng như thế giới. Nhưng, chẳng ngờ là, hóa ra là – lại liên quan rất lớn đến người khác cơ đấy!
Tớ sai - ừ thì kệ u tớ. Tớ biết tớ sẽ sửa. Còn tớ không biết thì tớ cứ cắm đầu cắm cổ sai thế thôi. Dưng mà, tớ lại còn đi truyền đạt cái suy nghĩ sai của mình cho người khác… uầy, thế mới sợ chứ!
Thậm chí, có khi là tớ đã không sai đâu. Dưng lại vì những lý do gì đó – chẳng hạn như là bị chuyện tình cảm chi phối (đúng lúc tớ đang thất tình – ví dụ thế), tớ lại ăn nói linh tinh, thành ra người khác hiểu sai – về tớ, về điều tớ nói. Uầy, thế mới càng kinh khủng chứ!

Ừm, ngắn gọn lại thì cái này gọi là “Uốn lưỡi (n) lần trước khi nói”, nhỉ!
(Điều này phải ghi nhớ. Có ích cho việc viết lách đấy!)

5. DÙ SAO…

Vâng, bài học về 2 chữ DÙ SAO thì ngắn gọn thế này thôi: Mình vẫn biết:

Nhiệt tình + Ngu dốt = Phá hoại.

Nhưng thế vẫn còn hơn là:

Thông minh + Không nhiệt tình = Chả có gì để nói!



IN MY OPINION – tớ nhấn mạnh là như thế. Thà là phá hoại còn hơn là chả là gì. Giống như thà là bị ghét còn hơn là chả có dấu ấn gì – đủ để ghét!

6. Tớ học được bài học… CÁI GÌ CŨNG CÓ GIÁ CỦA NÓ
.
Biết cái giá trị của sự chờ đợi.
Biết cái giá trị của một lời hứa ko được giữ.
Biết cái giá trị của thời gian.
Biết cái “giá trị” của sự ngu dốt.

7. Cuối cùng là 1 điều cho riêng tớ.

Ừ. Hơn thế nữa, hơn những điều đã nói, tớ nói thêm điều này, mặc dù là nó chỉ có giá trị cá nhân với tớ thôi ^^.
Đấy là sau buổi học hôm nay thì tớ cảm kích một cách vô cùng sâu sắc về những bài học đó. Đến nỗi thấy đầy cả dạ dày. Thế là tối nay tớ không phải ăn cơm nữa. Heheh. I’m on a diet – tốt quá! :)

Túm lại: nhất định tớ bình chọn cho cô đấy. Ai đồng ý với tớ thì hô 1 câu nhé!

Wednesday, October 24, 2007

Entry for October 25, 2007: VASB @_@

  1. Tin vui.

Câu hỏi từ đầu kỳ của cô CK: Ở Việt Nam đã có hiệp hội nghề nghiệp của các nhà đầu tư ck chưa?

Trả lời: Có rồi cô ạ.

Tổ chức này có tên chính xác là:

HIỆP HỘI ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM

(The Vietnam Association of Securities Business)

Một vài thông tin về VASB:

- Thành lập:

o Cơ sở pháp lý: quyết định số 29/2003/QĐ-BNV

o Thời gian thành lập: Hiện có 2 mốc, chưa xác minh được cái nào là chính thống:

+ 17/12/2003: ra mắt VASB tại Hà Nội (source: 10 sự kiện nổi bật trên TTCK Việt Nam 2003 – www.mof.gov.vn )

+ 14/5/2004: chính thức ra mắt VASB (source: vietnamnet và “Sự kiện nổi bật trên TTCK Việt Nam 2004” – vnexpress)

- Là tổ chức xã hội nghề nghiệp, chịu sự quản lý của UBCKNN.

- Thư ký hiện nay: ông Nguyễn Thanh Kỳ.

- Thành viên:

o Ban đầu: 13cty ck và 1 cty quản lý quỹ.

o Hiện nay: “VASB đại diện cho gần 1000 doanh nghiệp thành viên và là tiếng nói của hơn 200.000 nhà đầu tư.” (source: nguyên văn từ 1 website nào đó, chưa check về độ chính xác được!)

- Một số động thái của VASB trong năm 2007:

o Kiến nghị ngừng cấp phép thành lập cty chứng khoán do lo ngại sự đổ vỡ hàng loạt của các cty này.

o Chính thức đưa văn bản kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) và các cơ quan liên quan về chủ trương đánh thuế thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán đối với cá nhân.

- Nhận xét (chủ quan):

o Hoạt động không sôi nổi bằng VAFI, “ít nói” hơn VAFI bao nhiêu!

o Đại diện cho quyền lợi của các cty ck nhiều hơn là cho các nhà đầu tư cá nhân. (thậm chí, chả thấy website riêng của nó).

Tham khảo:

Sắp có Hiệp hội kinh doanh chứng khoán17:44' 10/09/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - Ban vận động thành lập Hiệp hội Chứng khoán cho biết đang chuẩn bị điều lệ, quy chế điều hành và chương trình hành động để có thể chính thức ra mắt vào cuối tháng 10 tới. Hiệp hội chủ yếu xác định ''sân chơi'' cho các công ty kinh doanh chứng khoán, các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức sẽ được mời làm thành viên danh dự.

Hiệp hội ra đời trên cơ sở pháp lý là Quyết định số 29/2003/QĐ-BNV của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, hoạt động theo Điều lệ các Hiệp hội và chịu sự quản lý nhà nước của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.

Cụ thể, Hiệp hội sẽ tập hợp các thành viên của thị trường như công ty chứng khoán, ngân hàng lưu ký, chỉ định thanh toán, công ty quản lý quỹ. Hoạt động của Hiệp hội sẽ tập trung vào việc hợp tác đào tạo, nâng cao trình độ cho các hội viên, đưa ra các tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp và giám sát việc thực hiện. Hiệp hội cũng sẽ giúp Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước trong góp ý, soạn thảo chính sách về chứng khoán và TTCK, đồng thời là một ''nhóm lợi ích'' khi cơ quan quản lý xem xét các chính sách liên quan đến TTCK.

Dự kiến kinh phí đóng góp ban đầu thành viên Hiệp hội là 30 triệu đồng/thành viên.

Việc thành lập Hiệp hội kinh doanh chứng khoán chỉ tập hợp và phản ánh được lợi ích cúa các công ty kinh doanh chứng khoán. Chính vì vậy, hiện nay có một nhóm nhà đầu tư cũng đang vận động thành lập Hiệp hội Các nhà đầu tư chứng khoán nhằm bảo vệ lợi ích cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân nhỏ.

2. Tin bùn.

a. Chất lượng thông tin.

Mời xem lại ngày thành lập VASB và số thành viên hiện tại của VASB ở trên.

Rốt cục ko hiểu nên lấy theo mốc nào là chính xác? Thông tin ơi là thông tin

b. Loạn!

Đây, tên "in English" của 1 vài hiệp hội ở Việt Nam như này:

VASB = the Vietnam Association of Securities Business: Hiệp hội kinh doanh CK VN.

VAFI = the Vietnam Association of Financial Investors: Hiệp hội nhà đầu tư tài chính VN.

VACD = the Vietnam Association of Corporate Directors: Hiệp hội quản trị DN VN.

VNBA = the Vietnam Banks Association: hiệp hội ngân hàng Việt Nam

Ôi cấu trúc, ôi quy tắc!

(Hiz. Nên, anh Bắc bảo: Đừng thắc mắc, cứ thế mà nhồi nhét thôi!!!)

Thursday, October 18, 2007

Entry for October 19, 2007: Kỷ niệm một mối tình :)


Như những bánh xe đạp lăn đi, lăn đi :)

Dạo này dịu dàng ghê gớm, toàn cười kiểu :) như thế. Don't know why - don't care (dạo này - cũng dạo này, quen mồm với cái câu í. Mặc dù thực sự thì chả "don't care" dc tí nào mà TV!)

Mùa thu đẹp như này ạ. 1 ngày đẹp như này ạ.
Gặp 1 anh như phim Hàn ạ. Rồi đổ rầm rầm. Rồi .v.v. và .v.v. Don't care.
Kết cục?
Kết tập 1 - đẹp, trong sáng, thần tiên như cổ tích.
Kết tập 2 - khủng hoảng như văn học hiện thực giai đoạn 30-45 :).
Now thì chả có j` nữa. Don't care.
(So, từ sang năm sẽ ko còn cái ngày kỷ niệm ngớ ngẩn này nữa. tốn đất, mất sức, hại IQ!)

Bi h 4h05 a.m. Hwa ngủ từ 10h, 1h dậy để cày cho xog t.anh, chiều nay đi học. Mà cứ loanh quanh, chậm rề. Điên.
Hwa đã nghe thầy Mô hình toán "nói nói". Cảm giác như gặp thầy Sôsaku Kôbayashi ngoài đời :).
Thế, tiền ko phải là tất cả.
Cũng ko phải "tiền ko wan trọng, mà rất wan trọng" or "tiền k wan trọng, wan trọng là số lượng bi nhiêu".
Cuộc sống còn nhiều thứ hơn tiền và người ta ko chỉ sống vì tiền.
Em cám ơn thầy ạ. (Dù rằng, chúng ta vẫn hiểu: ko thể sống without tiền :).
(2 điều này là khác nhau mà. túm lại, IMO, xiền cũng wan trọng, nhưng ko fai?, chưa fai? và ko bao h fai? - là tất cả. hết.)

Eh`, mà ngày này là ngày... ý nghĩa phết đấy. Vừa kiếm dc bài này :)
(source: Vina Stock)

20 năm sau Ngày thứ hai đen tối: Bài học của thị trường chứng khoán
Thứ hai, ngày 19.10.1987, thị trường tài chính Mỹ đã rơi vào một cơn khủng hoảng được coi là tồi tệ nhất của thế kỷ 20. Sau 20 năm, những kinh nghiệm xương máu rút ra từ Ngày thứ hai đen tối này vẫn còn nguyên giá trị.
Thảm họa lịch sử

Những giây phút đầu tiên của phiên giao dịch ngày thứ hai sau 2 ngày nghỉ cuối tuần đã khiến những người buôn chứng khoán phố Wall hoang mang vì hầu hết các cổ phiếu đều rớt giá. Khi bắt đầu ngày giao dịch, chỉ số Dow Jones giảm 9% (tương đương 200 điểm); đến cuối ngày, chỉ số Dow Jones đã rớt mất 508 điểm, tương đương 23%. Đây là ngưỡng mà người ta không thể tưởng tượng nổi bởi vì ngay cả trong cơn khủng hoảng ngày 28.10.1929 (cũng nhằm ngày thứ hai) đã khiến nước Mỹ rơi vào thời kỳ Đại khủng hoảng, mức độ suy giảm cũng chỉ vào khoảng 12%. "Các nhà đầu tư tại các sàn giao dịch gần như rơi vào trạng thái hoảng loạn. Đó là một ngày mà tôi không thể tin là tại sao những điều tồi tệ như vậy lại có thể xảy ra. Hệ thống tài chính và thị trường cổ phiếu đã đứng bên bờ vực của sự sụp đổ", nhà đầu tư A.Hogan đã nhớ lại.

Tại thời điểm kinh hoàng đó, các nhà đầu tư gọi điện tới tấp cho những người môi giới để tìm cách bán tống bán tháo những cổ phiếu mà họ có với hy vọng vớt vát được phần nào thứ tài sản đang có nguy cơ trở thành giấy lộn của họ. Tuy nhiên, chỉ có rất ít người dám mua vào, trong giây lát, nhiều nhà đầu tư đã mất hàng trăm triệu USD. Trong cơn hoảng loạn, một số người đã vác súng đến xả vào các văn phòng môi giới chứng khoán hoặc kê súng vào đầu tự tử để không muốn nhìn thấy những khoản tiền bạc khổng lồ của họ đã ra đi.

Sau này, một số nhà đầu tư sống sót qua được ngày 19.10 này đã kể lại rằng họ không hiểu được lý do nào đã khiến họ bán ồ ạt cổ phiếu của họ lúc đó, ngoại trừ việc trông thấy "người khác đang bán cố phiếu". Ngày 19.10 đã gây ra một thiệt hại khủng khiếp cho thị trường chứng khoán Mỹ với 560 tỉ USD.

Ngày thứ hai đen tối lịch sử này đã không chỉ đến với nước Mỹ mà còn đến với những trung tâm tài chính thế giới khác và một "hiệu ứng domino" đã xảy ra: đến cuối tháng 10.1987, thị trường tài chính Úc sụt giảm 41,8%, Hồng Kông giảm 45,8% và London giảm 26,4%.

Đi tìm nguyên nhân

Hai mươi năm đã trôi qua, gần đây, các nhà tài chính phố Wall đã lên tiếng kêu gọi các chuyên gia tài chính, các nhà buôn cổ phiếu nhìn nhận, đánh giá thêm về Ngày thứ hai đen tối 19.10.1987 để người ta có thể tránh được một ngày đen tối khác có thể đến trong tương lai. Trước đó, đã có rất nhiều các quan điểm đưa ra về nguyên nhân dẫn đến cơn khủng hoảng khủng khiếp của thị trường chứng khoán Mỹ và thế giới năm 1987. Các chuyên gia đều cố sức tìm ra những lý do đã khiến cho thị trường này đã rơi vào suy sụp một cách vô cùng nhanh chóng, mức độ thiệt hại rất lớn và mang tính toàn cầu như vậy.

Năm 1986, kinh tế Mỹ đã có dấu hiệu suy giảm, tuy nhiên, thị trường chứng khoán Mỹ lại phát triển rất nhanh chóng với tốc độ từ 18,5% lên tới 43,6% vào giữa tháng 8.1987. Cùng lúc, Cục Dự trữ liên bang Mỹ đang phải tập trung để đối phó với cơn lạm phát và tỷ lệ lãi suất tiền gửi ngân hàng đang ở mức rất cao. Tình hình chung này kết hợp với xu hướng kinh doanh ăn chênh lệch chỉ số, sự thiếu tính thanh khoản của thị trường và tâm lý đầu tư theo kiểu "đám đông" đã góp phần tạo ra Ngày thứ hai đen tối của năm 1987. Không ít người còn đổ tội cho vai trò của máy tính điện tử trong sự kiện ngày 19.10. Người ta cho rằng hệ thống máy tính đã góp phần không nhỏ vào thảm họa này bởi vì chúng cho phép các nhà đầu tư thực hiện được một khối lượng giao dịch lớn trong một khoảng thời gian vô cùng ngắn ngủi. Tâm lý mua bán theo kiểu "đám đông" với sự hỗ trợ đắc lực của máy tính điện tử đã góp phần tạo ra Ngày thứ hai đen tối.

Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng lẽ ra Ngày thứ hai đen tối năm 1987 đã không đến mức nghiêm trọng như vậy nếu các nhà đầu tư cổ phiếu Mỹ tỉnh táo hơn: họ đã bị ám ảnh nặng nề bởi một ngày thứ hai đen tối trước đó vào năm 1929. Do vậy, không phải ai cũng có đủ tỉnh táo để tìm cách giảm bớt thiệt hại cho chính mình.

Một Ngày thứ hai đen tối khác?

Những gì đã xảy ra ở quá khứ đều có thể đến trong tương lai. "Những hiểm họa vẫn đang tồn tại và phát triển trong suốt 20 năm qua. Thị trường chứng khoán hiện đã mang tính toàn cầu ở mức độ cao hơn, phụ thuộc lẫn nhau và chẳng có một hiểm họa nào được coi là của riêng một thị trường chứng khoán nào đó", đó là quan điểm của nhà kinh tế học Wachovia (Mỹ). Theo công bố mới đây của Hiệp hội Chứng khoán công nghiệp Mỹ, vào những năm 80, chỉ có 20% người dân Mỹ mua bán cố phiếu, con số này hiện nay đã lên tới 60%. Do vậy, nếu một khi có một chuyện "không ổn" với thị trường chứng khoán Mỹ thì mức độ tổn hại sẽ gấp nhiều lần hơn so với trước đây.

Các chuyên gia về thị trường chứng khoán lúc nào cũng chăm chú theo dõi những yếu tố có quan hệ mật thiết đến Ngày thứ hai đen tối năm 1987. Người ta đã chú ý đến sức mạnh hiện nay của nền kinh tế Mỹ, về tình hình lạm phát, giá dầu lửa tăng trên khắp thế giới và sự suy yếu của đồng USD so với trước đây... Trong thời gian đó, thị trường chứng khoán Mỹ đã có những cơn suy yếu nhất thời, tuy nhiên người Mỹ đã không phải gánh chịu một cuộc đại khủng hoảng như năm 1929 và 1987. Điều mà người ta có thể rút kinh nghiệm được qua những cơn khủng hoảng khủng khiếp của lịch sử thị trường chứng khoán là đầu tư đúng hướng sẽ đem đến thành công, còn "chơi" chứng khoán thì phải chấp nhận rủi ro. Nhà bác học thiên tài I.Newton đã có một câu ví von rằng: "Tôi có thể đo được sự chuyển động của các thiên thạch nhưng không thể xác định được mức độ điên cuồng của những người chơi chứng khoán".


Wednesday, October 17, 2007

Bài thơ tình số 28 - Tagore.

Đã từng 1 mình 1 phe chê bài này tơi bời.
Thế rồi bây giờ quay ngoắt theo phe còn lại. Ôi, tôi ơi là tôi!

*
Đôi mắt băn khoăn của em buồn,
Đôi mắt em muốn nhìn vào tâm tưởng của anh.
Như trăng kia muốn vào sâu biển cả.
Anh đã để cuộc đời anh trần trụi dưới mắt em,
Anh ko giấu em một điều gì
Chính vì thế mà em ko biết gì - tất cả - về anh

Nếu đời anh chỉ là viên ngọc,
anh sẽ đập nó ra làm trăm mảnh
và xâu thành một chuỗi
quàng lên cổ em

Nếu đời anh chỉ là một đóa hoa
tròn trịa dịu dàng và bé bỏng
anh sẽ hái nó ra để đặt lên mái tóc em.

Nhưng em ơi, đời anh là một trái tim
Nào ai biết chiều sâu và bến bờ của nó,
Em là nữ hoàng của vương quốc đó,
ấy thế mà em có biết gì biên giới của nó đâu?

Nếu trái tim anh chỉ là một phút giây lạc thú,
Nó sẽ nở ra thành một nụ cười nhẹ nhõm,
Và em thấu suốt rất nhanh,

Nếu trái tim anh chỉ là khổ đau
Nó sẽ tan ra thành lệ trong
Và lặng im phản chiếu nỗi niềm u ẩn

Nhưng em ơi, trái tim anh lại là tình yêu
Nỗi vui sướng khổ đau của nó là vô biên
Những đòi hỏi và sự giàu sang của nó là trường cửu
...
Trái tim anh cũng ở gần em như chính đời em vậy,
Nhưng chẳng bao giờ em biết trọn nó đâu!

*
Vâng, chẳng bao giờ em biết trọn thứ gì cả :). Đã và sẽ. Và đang.
Trái tim em ở gần em như chínhđời em vậy
Nhưng chẳng bao giờ em biết trọn nó đâu?

Tuesday, October 16, 2007

Entry for October 17, 2007

Em thương cho những nơi "ngập" hoa sữa mà ko có cái lạnh của Hà Nội.
Trời nóng, nắng - mà lại sực nức hoa sữa thì... chậc. Chỉ nghĩ thôi đã là kinh khủng.
Còn ở cái trời lạnh lạnh này... hoa sữa... mỗi lần hít một hơi hoa thoảng qua trong gió, khi đang vù vù trên đường, thấy ko khí như là từng miếng thạch rau câu núng nính, xắt ra từng ít một, ít một.
:)
Viết xong chứng khoán mà "phê" thế này đây ^^. Ko bít làm thế có okay ko nữa :(

empty

emty.

I'll follow the sun - The Beatles


One day you'll look to see I've gone
For tomorrow may rain,
so I'll follow the sun

Some day you'll know I was the one
But tomorrow may rain,
so I'll follow the sun

And now the time has come
and, my love, I must go
And though I lose a friend
In the end you will know, oh

One day you'll find that I have gone
But tomorrow may rain,
so I'll follow the sun
But tomorrow may rain,
so I'll follow the sun

And now the time has come
and, my love, I must go
And though I lose a friend
In the end you will know, oh

One day you'll find that I have gone
But tomorrow may rain,
so I'll follow the sun

Saturday, October 13, 2007

Hwa ăn zì thế?

Bi h đang là đêm. nên nói hwa tức là... uhm, đấy, gọi là hwa đấy.

Đọc blog Bò mà ức chế wa'. hnay nó đi chơi tưng bừng, nhậu nhẹt bung bét.
Mìh thì ở nhà. Đc nghỉ học rùi muh, nhưng lại có cái hẹn đi karaoke rùi muh. Thế đấy.
- Sáng: cắm lại cơm nguội ăn vậy!
Thế xong xoẹt xoẹt, vụ karaoke bị cut.

- Trưa: ăn bánh Custard. Hiz. Sướng vì k phải nấu cơm!
Rầm rầm. Giữa trưa bạn Thủy quạt call vì cái vụ GSO-media.
Và 4.5h chiều rồ dại theo bạn í đến đấy, dù mìh thì thừa biết cái-mà-ai-cũng-biết-là-cái-zì-đấy (vầng, chỉ để chứng minh rằng: ấy ngây thơ như bò đeo nơ í, Hến ạ!).
6.5h về thì hì hục đến 10h. ko cơm. ko nc. vâng.
10h 12' lò dò bò về nhà. Mưa lướt thướt trên đầu. Hình như mìh lại có vụ j` hư thì phải?
Chả có zì ăn. huhuhuhuh. Chắc mọi ng đều nghĩ mìh đi nhậu nhẹt ở ngoài.
Thế là...

- Tối:
1 cái kẹo chew (hôm trc đi chơi... lấy phần về => may thế, còn có cái mà ăn!)
1,5 miếng đu đủ còn sót trong tủ
1 quả quýt.
Ăn xong xót cả ruột.
Ko có nước để ăn mì tôm. Ko có cả xoong để đun nước!
Bùn wa'. Ngồi gặm mì tôm sống.

Thôi, coi như là I'm on a diet cũng dc vậy.

Friday, October 12, 2007

Entry for October 13, 2007: (Lại thơ thẩn! Dưng mờ hay mờ!)

Bách thảo
- Bằng Việt -

Bách thảo hồn xưa cũ
Công viên đã quá già
Hoa còn gì đâu nữa!
Lá khô đầy lối qua

Ngựa voi về vườn Láng
Núi rêu phong một mình
Hàng rong chiều quạnh vắng
Leo lét ngọn đèn xanh

Nhưng có phải không em
Có một thời - ở đó
Có một lần ánh trăng
Có một lần
Tuổi nhỏ...

Thế là đủ tất cả
Dẫu công viên đã già
Dẫu cây giờ trụi lá
Dẫu cỏ giờ không hoa...

Đừng đọc, vớ vẩn đấy!

Ko bít... hình như mìh đâu có hay cho ng khác leo cây nhỉ?
Chờ đợi và chờ đợi.
Có cái chờ đợi thì ko sao cả. 1000 năm cũng chờ dc.
Nhưng có cái chờ đợi thì ko thể chịu dc.
Ahhhhh.
Đêm trắng bóc.
Nếu mìh vô trách nhiệm thì mìh đã thôi luôn!

Thursday, October 11, 2007

Mùa bão buồn thêm :(

Chủ Nhật, 09/09/2007, 07:45 (GMT+7)

Hà Tĩnh: lại ăn chặn tiền cứu trợ

TT (Hà Tĩnh) - Sau cơn bão số 2, tổ chức phi chính phủ Anh Oxfam có chương trình cứu trợ cho tỉnh Hà Tĩnh 220.000 USD (tương đương 3,75 tỉ đồng VN). Trong đó, cứu đói khẩn cấp cho đồng bào vùng lũ hai huyện Hương Khê, Vũ Quang hàng trăm triệu đồng. Thế nhưng, tại xã Phương Điền, huyện Hương Khê những đồng tiền nhân nghĩa ấy đã bị xà xẻo không thương tiếc.

Chúng tôi về xã Phương Điền tiếp xúc một số người dân, được biết: ngày 23-8 xã Phương Điền thông báo cho 229 hộ gia đình bị thiệt hại nặng trong cơn lũ đến ủy ban xã nhận tiền cứu trợ của Oxfam. Tiêu chuẩn mỗi hộ được 500.000 đồng theo danh sách bình xét từ xóm lên xã. Nhưng sau khi nhận tiền, tất cả những người này phải nộp lại cho xóm trưởng. Sau đó, xóm trưởng chỉ đưa lại cho người được cứu trợ một nửa số tiền đã nhận...

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Trung - chủ tịch xã Phương Điền - nói: “Làm chi có chuyện thu tiền cứu trợ của dân. Ai lại làm ăn thô lỗ thế. Có lẽ bà con nhận tiền rồi họ tự san sẻ cho nhau, ai biết được”.

Trước bức xúc của dư luận, ngày 6-9 Huyện ủy Hương Khê đã tổ chức cuộc họp khẩn, cử ông Trần Văn Thanh - chủ tịch UBND huyện - đích thân xuống kiểm tra. Chiều 6-9 ông Thanh thừa nhận với PV Tuổi Trẻ: “Việc thu lại tiền cứu trợ của dân là có thật. Bắt đầu ngày 7-9 huyện sẽ chỉ đạo làm rõ tổ chức, cá nhân nào chủ trương việc này; thu hồi toàn bộ số tiền đã thất thoát để chia lại cho dân theo đúng chế độ cứu trợ của Oxfam. Sau đó sẽ thi hành kỷ luật nghiêm khắc với cá nhân, tổ chức vi phạm”.

VŨ TOÀN

(từ website báo Tuổi Trẻ

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=219210&ChannelID=3)

Tuesday, October 9, 2007

Entry for October 09, 2007: Rực hồng thôi!

Mọi thứ sáng sủa hơn.

Tks quyển sổ tay màu đỏ.
Tks những entry.
Tks những email.
Tks những website.
Tks 1 vài chat chit.

Tks gạo lứt và chocolate.
Tks kiểu đánh vần 1-0-2.
Tks Power Point :p.
Tks kẹo chew và nước "tinh khiết"

Tks everything today I meet
I feel
I think
I hope

Đón em về
Thấy trong tim em
Rực hồng - thôi...

Monday, October 8, 2007

Có hay là không có?

Năm nay, mình hay mua hoa tặng mọi người hơn.
Để ý thấy hàng hoa có Hoa Cúc Xanh.
Ừ. Hơi lạ. Đẹp.
Thực ra, mình thấy nó đẹp - vì một bài thơ. Phải, nếu không, thì mình sẽ chỉ "xìiiiiiiiii`, sặc mùi... hóa chất!".
Thế, ai mua Hoa Cúc Xanh tặng nhau thì nhớ một chút!

Hoa cúc xanh - Xuân Quỳnh.

Hoa cúc xanh, có hay là không có

Trong đầm lầy tuổi nhỏ của anh xưa
Một dòng sông lặng chảy về xa
Thung lũng vắng sương bay đầy cửa sổ

Hoa cúc xanh, có hay là không có
Một ngôi trường bé nhỏ cuối ngàn xưa
Mơ ước của người hay mơ ước của hoa
Mà tươi mát, mà dịu dàng đến thế.

Cỏ mới mọc con chim rừng thơ bé.
Nước trong ngần thầm thì với ngàn lau
Trái tim ta như nắng thuở ban đầu
Chưa chút gợn một lần cay đắng
Trên thềm cũ mùa thu vàng gió nắng!
Đời yên bình chưa có những chia xa
Khắp mặt đầm xanh biếc màu hoa
Hương thơm ngát cả một vùng xứ sở
Những cô gái da mịn màng như lụa
Những chàng trai đang độ tuổi Hai Mươi
Người yêu người, yêu hoa cỏ đất đai
Những câu chuyện xoay quanh mùa hái quả...

Hoa cúc xanh có hay là không có
Tháng năm nào ấp ủ thuở ngây thơ
Có hay không thung lũng của ngày xưa
Anh đã ở và em thường tới đó
Châu chấu xanh, chuồn chuồn kim thắm đỏ
Những ngả đường phơ phất gió heo may
Cả một vùng vương quốc tuổi thơ ngây
Bao mơ ước mượt mà như lá cỏ...

Anh đã nghĩ chắc là hoa đã có
Mọc xanh đầy thung lũng của ta xưa.
(1964 - 1987)

(photograph lấy ở đây - của tác giả tên TDQuy. tksss tác giả.
http://www.photo.vn/coppermine/displayimage/album=2452/pid=67826.html)

Friday, October 5, 2007

Và chúng mình đã lớn!

("chôm" bài này từ blog bluerose - đã xin fep' khổ chủ!!!)
Em nghe chuyện kể về chồi non và lộc biếc Cùng những mầm cây ươm từ dạo xuân về Nghe có nắng thì thầm trong tiếng gió Kể chuyện cuộc đời, chuyện của ngày mai… Em tự hỏi, Ngày mai, em có còn là mầm non như thuở trước Hai mươi năm chưa hẳn một cuộc đời Bạn bè em cười, “Và chúng mình đã lớn…” Mầm rồi sẽ thành cây, lá đã xanh màu Em nhìn vào mình, qua chiếc gương soi Sao lớn tự bao giờ, em không nghe mầm kể Nghe trái tim em biết bồi hồi, rạo rực Nghe tiếng vọng của nụ cười, của nhớ, và mong… Ngày mai ơi, Trôi khẽ thôi để em lắng nghe chuyện kể Một cô bé lớn lên , với một bóng hình Sao em biết em sẽ là người lớn Có phải không em, từ lần gặp đầu tiên…? 15/09/07
Ôi cái sự lớn lên!Chả giống như cái sự "the tree grows" mình từng nghĩ!
Hôm nay:
- Xù học
- Dở hơi post 1 đống entries.
- Lẩn thẩn xem đủ thứ ngớ ngẩn.
- Nghe cải lương 1, 2 tập j` đó.
- Bị Bò khủng bố.
- Ko chịu làm bt. Mọi thứ cứ chồng chất, chồng chất...

Khổ thân cái bài hay, bị mình post chung với cái đống dở hơi của mình!




Cô Gái Đến Từ Hôm Qua


Sáng tác: Trần Lê Quỳnh - Thể hiện: Đăng Minh

Tiếng gió xôn xao

Gió vẫn hát thì thầm đến bên tôi như thật gần
Gió muốn nói điều gì tha thiết
Gió vẫn nhắc một người đã ra đi không trở lại
Lỡ mất chuyện tình không thể quên
Bước những chuỗi ngày dài ấp ôm bao đêm huyền diệu
Ánh mắt ấy giờ này xa lắm
Thoáng phút chốc giật mình ngỡ như em đang thật gần
Gió đánh thức vì tôi ngủ mê

Thắp ánh sáng bước qua đêm thâu
Chờ mong ngày mai khát vọng
Và gió vẫn thế gió mang tôi đi tìm em
Dẫu có lúc nước mắt tuôn rơi
Như hạt sương, hạt sương bé nhỏ

Gió sẽ hát rì rào
Gió ru tim tôi ngày ngày mãi xôn xao




Tiếng Gió Xôn Xao
Sáng tác: Tường Văn - Thể hiện: Tường Văn

Vô hình


Ngày xưa*2 có xứ sở lạ

Sống rất hắt hiu trên đồi hoang

Xây bao nhiêu vàng bạc thành lâu đài cao

Truyền đời chẳng ai sống cần ai

Tâm tư từng người đều muốn đổi thay

Xua đi những ác mộng lạnh lẽo

Thà đem vàng bạc đổi lấy ngọn lửa

Xua tan băng giá nơi đồi hoang


Tâm linh làm cơn mơ đến từng người

“Hãy biết lắng nghe lời người Già”

Nhưng xứ sở này ai sống phận ai

Độc hành bỏ đi muôn nẻo đường

Lời nguyền dặn dò theo gió biệt ly

Hãy cứ bước đi cho mở mang

Cụ già trầm ngâm rồi bỗng mỉm cười

“Vô hình là chi - lửa trong tim”


Lang thang bao nhiêu tháng ngày

Mà có ai tìm được ngọn lửa hằng mơ ước?

Vóc dáng đã bao hao gầy mà có ai tìm được đường tới

Cõi Vô hình

Cõi vô hình ở đâu?




Bước bước mãi trái đất tròn


Rồi bỗng một ngày họ trở về điểm xuất phát

Vứt hết những túi vàng họ muốn quay về chẳng cần tìm

Cõi Vô hinh

Cõi vô hình ở đâu?



Bao nhiêu bạc vàng thôi vứt ở lại

Cất bước trở về miền đồi hoang

Tâm tư từng người giờ cũng đổi thay

Bỗng thấy nhớ nhung những người thân

Cụ già trầm ngâm đợi trên đỉnh đồi

Dang đôi tay thân mật chào đón


Không ai bảo ai đều thấy ngậm ngùi

Nước mắt đã rơi trong vòng tay


Đúng lúc đó thật kỳ lạ

Họ thấy vô hình một ngọn lửa thật ấm áp

Đúng lúc đó họ chợt hiểu cuộc sống quanh mình ngập tràn lửa

Rất vô hình

Cõi Vô hình là đây!


Nơi đây mãi sẽ không còn

Cuộc sống vô hồn của miền đồi hoang vắng

Bên nhau sống xum vầy ngày tháng chân thành - Một ngọn lửa

Rất vô hình Vô hinh

Cõi Vô hình là đây!






Vô Hình

Sáng tác: Bức Tường - Thể hiện: Bức Tường