Saturday, September 27, 2014

Lớp học cho Bà giáo




Buổi học đàn thứ bao nhiêu không nhớ, chỉ biết buổi gần nhất là trước khi Min đi Đà Nẵng, trước khi Min đi Malaysia, trước khi Bà giáo đi Đào hoa đảo. Hôm nay Bà giáo chạy mấy show lịch bịch suốt từ sáng sớm, nhưng nghĩ cảnh lớp học nghỉ nhiều quá bà ko cam lòng. Nên, bà chạy tiếp show này.

Như mọi khi, lớp học về địa điểm cũ. Như mọi khi, lại có Thuyền trưởng "dự giờ". Min vẫn kèo nèo cự nự "không không được nhìn, thôi đi ngủ đi". Thì Thuyền trưởng cũng vẫn thế. Tóm lại là kệ bà già với con nhỏ làm gì nhau thì làm.

Chỉ có một lúc, do Min sai tóe loe nhiều quá bà giáo bực mình định 'bộp' nó 1 cái. Cú bộp hơi thấp nên thay vì sượt qua đầu thì đập vào má Min. Bà giáo rối rít xin lỗi. Thuyền trưởng lại "sao chị lại đánh Min, chị hãy đánh em đi". Huhu. Bà giáo xin lỗi gần chết từ đầu đến cuối buổi.

*
Min rõ ràng có khá hơn nếu tập đều và nghiêm túc như trên 'lớp', có điều về nhà nó lười quá (biết làm nào?).

- Min tập suốt mà! - Thuyền trưởng bênh. - Lần nào em qua cũng đuổi em về để học đàn.
- Bao nhiêu lần?
- Hai chục lần!!!

Bà giáo quay qua Min:
- Từ hôm đó giờ tập đc bao nhiêu lần?
- H..a..i... l...ầ...n...

Lại quay ra Thuyền trưởng:
- Êu Thuyền trưởng, xem lại đi, còn mười támmmm lần khác là dư lào?
- Chết thật, để em xem thế nào!

*
Cuối buổi, khi lại ngồi hát dạo với nhau. Bà giáo bỗng nhớ ra.
- Thuyền trưởng, hát bài gì chị đàn cho!
- Em á. Em chả biết hát bài gì cả. À. Năm anh em trên một chiếc xe tăng!!!
- Ặc ặc, bài này chị chưa đàn bao giờ cả. Để xem nào.

Search hợp âm. Đàn thử. Hát thử. Cũng ổn. Thuyền trưởng ko có khái niệm về guitar hay đệm hát gì hết, nhưng ít ra nó hát đúng nhịp và đúng nốt nhạc (đàn ntn thì Bà giáo đi mà tự chỉnh nó ko nghe đc, ko biết đc là tone đó cao hay thấp so với giọng nó đâuuuuu!!!).

Sau đó, hai đứa đó thi nhau nghĩ ra các bài trẩu tre loe ngoe đòi hát. Khắc Việt. Cát Tường. Bích Phương '1 2 3 5 anh có đánh rơi nhịp nào không'. Bảo Trâm 'có một ngày anh chẳng qua nữa'...

Bà giáo chóng mặt phết, và cũng chắp tay xin hàng một đống bài khó lòi xương của Cát Tường. Còn lại thì bà cặm cụi đàn cho 2 đứa rên rỉ hai bên, cho một bọn Canon marathon ngồi đấy nhìn thèm thuồng hê hê (tưởng tượng bậy bạ vậy thôi, chúng nó đang bận Canon marathon, thèm quái gì???).

*
Đường về có gió hiu hiu làm một số electron thông minh lóp ngóp bò dậy. Bà giáo bỗng nghĩ ra và tự thụi vào đầu 1 fát. Bà quả là có IQ bằng cục đá. Sao bà ko để Thuyền trưởng can dự sớm hơn??? Bao nhiêu buổi rồi bà để thằng bé bơ vơ nhặt lá đá ống bơ chờ hết giờ??? Trong khi nó cũng thích hát hò thích ý kiến, thích không-bị-ngồi-yên???

Tự an ủi bản thân (sau khi bị bản thân chửi rủa vì IQ bằng cục đá), Bà giáo lầm bầm: "Được cái chưa già. Còn non và xanh thế này thì già cái nỗi gì?".




Friday, September 26, 2014

Hoang đảo ngoại truyện

Disclaimer (thực ra chỉ là thêm một đoạn lảm nhảm)
Cái gì ko fải 'chính truyện' thì mình gọi là ngoại truyện nhe, thống nhất qui tắc là dư vại. Thêm nữa, chính truyện chỉ kể những chuyện chính yếu chuẩn mực thì ngoại truyện là các thứ tầm xàm bá láp tẩu hỏa nhập ma cổ kim đông tây y kết hợp từ Caribean nhảy phắt về Tây Tạng, chả hạn thế

--

Buổi tối ở hoang đảo, sau khi cơm no rượu say, đám cướp biển vắt chân lên trán nghĩ trò tiêu khiển. 

- Ca hát ư? Không được cướp biển ai lại ca hát, chả ngầu gì sất!

- Cà phê ư? Điên dồi. Cà phê xong để cả đêm cà khịa nhau à? Sáng mai còn phải dậy sớm tới ngọn hải đăng định vị bản đồ kho báu (bản đồ chỉ hiện lên khi mặt trời mọc trên ngọn hải đăng nên là nhất định phải đến ngọn hải đăng sáng sớm định vị bản đồ).

Cuối cùng, đám cướp biển thống nhất một phương án hết sức ngầu và tao nhã: tiệc trà ._.

Hai tên cướp biển đc cử lại trông đồ, bốn tên còn lại dắt nhau đi tìm hoa quả sơn.

*
Lại nói, vừa đi ra đến cửa, tôi bỗng dưng sờ túi ko thấy điện thoại đâu bèn quay lại tìm (ko biết rằng ẻm điện thoại đang nằm trong tay tụi đó!!!). Chạy lên chạy xuống ko thấy đâu, hỏi bạn Tí béo thì bạn bảo bọn kia nó cầm rồi X(. Tôi liền lút cút chạy theo.

"Phố" ở đó chẳng có gì cả. Có mỗi một duy nhất con đường thẳng lèo, thế là thành "phố". Tôi đi dọc theo "phố", ngó vào bất cứ tiệm tạp hóa nào xem ba tên kia ở đâu. Mà càng đi, càng ngó, càng ko thấy đâu, thì càng lầm bầm "bọn dở hơiii đi đâu xa thế ko biết"!

Tôi đi hết cả phố vẫn chả thấy tăm hơi ai sất. Bèn quay về và vẫn ngó nghiêng trên đường về.

Trong lúc nghiêng ngó, tên cướp biển ngơ ngác trước một lâu đài...

Trong lúc ngó nghiêng, tôi thấy một ngôi nhà hay hay. Không phải quá ư đặc sắc, nhưng hay. Vì nó khác các ngôi nhà bệ vệ xung quanh - những ngôi nhà kiểu 2000s. Nhà đó thì kiểu 1990s, tường quét ve màu xanh lơ, trên mái có những thanh dầm nhô ra quét vôi trắng. Chỉ có mỗi thế, nhưng tôi thấy ngôi nhà hay ho kinh dị. Nghĩ, sáng mai nhất định phải ra đây sớm khi người ta chưa mở cửa chưa bày hàng, sẽ thấy nó đẹp thế nào!

(Khi về lại hang ổ, bọn kia bảo chúng tao đứng ngay cái nhà đầu tiên cách xa ba mét. Hẳn BA con người chình ình mà mày không nhìn thấy là sao???)

*
Tờ mờ sáng hôm sau, trước cả giờ khởi hành tới ngọn hải đăng, tên cướp biển ngơ ngác đêm qua bí mật gọi một đồng bọn dậy để đi xem lâu đài hay ho mà hắn đã phát hiện ra.

Nhưng lâu đài không ở đó hay nói đúng hơn, hắn đến chỗ đó mà chẳng thấy lâu đài đâu. Hắn đi qua đi lại cũng không gặp lâu đài nào nữa. 

Hắn nhủ thầm hay tại trời nhá nhem quá chưa nhìn được, chờ ban ngày sáng tỏ xem sao.

Nhưng cho đến khi mặt trời đứng bóng, nắng rạng rỡ chói gắt. Và tên cướp biển đã lượn lờ lượn lờ lượn lờ  khu vực ấy hai nghìn tỷ lần. 

Không hề có một mảy may dấu vết lâu đài hay ho ở đâu hết.









Wednesday, September 24, 2014

Bó hoa tím


Tôi đã, mà thực ra là đang, viết về một vùng biển ấm, về những mảnh biển ấm. Là nơi, là lúc, mà tôi không bị trơ trọi và khó xử như những lần lang thang kiểu mảnh-biển-trôi-dạt. Nơi đó, khi đó, với những người xa lạ đó, tôi có cảm giác thuộc về.

*
Quả thanh mai là quả gì? Con hà trông như thế nào? Và cái hoa ấy tên chi? Tôi đã không biết.

Anh Gấu không biết, giống tôi. Chị Sẻ Ngô thì biết, nên chị ra sức giảng giải, chỉ trỏ. Thanh mai thế đấy. Những con hà bám trên đá kia kìa. Còn thứ hoa dại ven đường mà chỉ có một cụm hoa màu tím túm tụm trên cành, trong khi ngọn mầm tiếp tục vươn dài cong queo ngoằn ngoèo ấy,  gọi tên là vòi voi.

Lúc, chúng tôi dừng lại giữa rừng. Tôi đi lang thang ngắm cỏ ngắm cây ngắm nấm độc màu cam mọc trên thân cây đổ rạp. Quay lại, anh Gấu đã vặt được một nắm hoa tím ngắt đưa cho. Và trong khi tôi đang hớn hở ôm hoa của anh, thì chị Sẻ Ngô cũng từ đằng xa chạy lại, rối rít: "Lu ơi, cho Lu hoa này..."

Tôi gộp hoa của hai người lại, được một bó to ơi là to. Hí ha hí hửng toe toe toét toét chụp hình.

Nào đâu biết chuyện gì đã làm anh Gấu trầm ngâm và chị Sẻ Ngô có vẻ thất thần. Mãi, cho tới lúc đó.

*
Tôi không lảm nhảm kể lể bắng nhắng được nữa, khi biết chuyện của anh chị. Những mảnh biển lạ xa khiến tôi ấm lòng đến thế, hóa ra, tan hoang âm ỉ sóng ngầm chất chứa bên trong.

Tại sao lại thế? Tại sao người tốt lại cứ gặp trắc trở? Cứ đem cái lý thuyết "chuyện gì xảy ra nghĩa là nó phải xảy ra" cộp lên mọi thứ và cho rằng thế là ổn thỏa sao?

Tôi không hiểu được. Không hiểu được.








Monday, September 22, 2014

Quên

Sáng nay đọc bài này bên nhà chú Phú. 

*
Buổi chiều, tôi đi dự một cái lễ đón dâu. Không phải là kiểu hiện đại đón rước xíu xiu rồi ra nơi tổ chức cưới ăn tiệc và thế là xong. Đây là đám cưới kiểu kinh điển, tức là buổi trưa hai họ ăn cỗ khề khà xong xuôi, buổi chiều nhà giai mới lễ mễ chạy qua nhà gái rước dâu về.

Đám cưới kiểu kinh điển từ phông bạt bàn ghế hoa hoét khăn trải bàn trở đi. Nghĩa là phông bạt màu tím trắng nhưng trên mái là mấy thứ vải hoa hoét toét tòe loe và bèo nhúm lòe tòe xòe. Hoa kinh điển là hồng nhung thâm sì, hồng môn đỏ chon chót, mấy bát hoa đặt trên bàn thì hoa đồng tiền đã rũ mủn. MC kinh điển thì hét hò và ca sỹ kinh điển thì hát hò: "Để mừng đám cưới, sau đây là liên khúc... Tây Nguyên của nhạc sỹ Trần Tiến... Có một chiều chiều xuân như thế nắng ngập tràn hồn em ngất ngây mùa xuân (xuân xuân xuân xuân - ca sỹ tự đệm luôn) ... hây hự à á ú ớ..." (phong cách rock giật giũ).

Tôi đã nghĩ, quả là thảm họa, thật thảm họa. Hẳn là phải yêu mến nhau lắm, phải tình thương mến thương vô bến bờ mới đem thân mình chịu trận như thế này. Và đã định nhắn cho đồng bọn kể lể kêu khóc.

Thì lúc ấy ca sỹ dừng lại, để cô dâu chú rể và bố mẹ cô dâu ra mắt tặng quà này nọ. Ban nhạc mà tôi thầm rủa sả suốt nãy giờ bỗng dưng mở Ơn nghĩa sinh thành. Và cô dâu quay sang ôm mẹ lâu thật lâu lâu. Và bác và dì và mẹ tôi đều có vẻ sụt sịt rơm rớm (giả vờ là tôi ko nhìn thấy gì và cũng ko rơm rớm nhé).

Ờm. Vầy là tôi thấy ban nhạc cũng đáng yêu ghê và đám cưới dễ thương quá thể.

Tôi tha thứ hết đống tra tấn khi nãy. Tôi cũng bỏ qua luôn những hoa hoét toét tòe loe lẫn bèo nhúm lòe tòe xòe. Chỉ cần nhớ đến cảm giác hạnh phúc và thương yêu, thế thôi.

*

Cũng vì thế, tôi sẽ không khóc ba ngày bảy đêm, dù hôm qua cái mẹt tôi khi đó, phải nói là không biết phải nói gì.

Tôi sẽ quên những đèn nhấp nháy, những inox những bê tông, những cục đen sì xấu xí, những cục thô lố chình ịch trưởng giả trọc phú. Tôi sẽ quên những băm nát những phá hoại những "hòn non bộ" trên đất liền.

Chỉ cần nhớ một đoạn lên đồi ngập cỏ lau và thông xanh mượt, tới cụt đường gặp nhà cũ cổng vào cũng cũ. Chỉ cần nhớ đường cũ và thân xà cừ cỡ hai người ôm, um tùm những cây ký sinh mọc trên. Chỉ cần nhớ những ngôi nhà kiểu 1980s thưa thớt sót lại, những bảng hiệu vẽ tay cũ và những bảng tên đường cũng cũ (nhìn là thấy khác ngay những cái bảng tên bây giờ. Chúng nó, những bảng tên cũ ấy, bạc màu hơn, phông chữ nhỏ hơn, nhìn hiền lành hơn, màu sơn xanh ngả về màu da trời nhiều hơn chứ không phải màu xanh tím than và chữ vuông vức to cộ như bây giờ.).

Những địa danh huyền thoại không còn dấu vết trên mặt đất. Nhưng trong trí tưởng bở của tôi, chúng không thể bị san lấp. Đó là tác dụng của trí tưởng bở. Và lợi ích của việc biết quên những chuyện đáng quên, biết nhớ những điều nên nhớ...

*
(Dù điều đó thực ra khó lòi xương)




Thursday, September 18, 2014

Bình minh mưa

(báo trước: giả vờ đặt title thế cho kêu, nội dung cực kì không liên quan và siêu nhảm)

Những tưởng là cơn bão đã qua, cô Gà hôm qua đã rú rít hét mùa thu đến rồi ngày mai đi boots thôiiiii!!!

Cô Gà chỉ là một điển hình trong đám dở hơi đã ôm ấp nâng niu một (vài) đôi boots suốtttttt từ mùa hè. Khổ thân bọn dở hơi: sáng nay trời vẫn mưa xối xả. (Từ FB một bạn: sau cơn mưa zời lại mưa tiếp :-j ).

Tầm năm giờ gì đó, nghe thấy mưa rào rào và cả đùng đùng sấm rạch trời. Hơn 6h, sâu ngủ tự động lóp ngóp bò dậy, tỉnh như sáo, dù đêm qua vẫn thức muộn như thường sau vài (chục) lần chào đi ngủ.

Má hôm nay nghỉ làm đi ăn cưới. Vì thế buổi sáng êm đềm mát mẻ diễn ra như sau.

- Bà ăn gì bà ơiiiii (hét vào tai bà ngoại một đống món)

Rồi thấy Chang đi xuống, má quay sang hỏi:

- Chang ăn gì để mẹ đi muaaa.

- Ăn kít mẹ ạ.

- Gì cơ ăn gì cơ?

- Ăn kítttt đóooo.

*
Rồi Chang ngồi ở bậc cầu thang uống nước. Nghịch điện thoại. Má lại quay ra bảo:

- Mẹ cho tiền Chang mua ai pát nhé.

- Khồnggggg

- Bây giờ aiiiii người ta cũng dùng ai pát cả.

- Kệ mẹ người ta mẹ ạ.

(Cũng là may vì buổi sáng mát giời ko thì má đã cho hai cái tát)

*
Trời lại tiếp tục vừa mưa vừa nắng, vừa mưa ngâu vừa mưa phùn lẫn cả mưa rào. Hầy. Ham muốn nhỏ nhoi là được đi làm sớm của Chang cứ bị thử thách vầy.


Tuesday, September 16, 2014

Chiến binh cầu vồng



#Harun

Con số ba quả thực là con số thiêng liêng đối với Harun. Cậu liên hệ mọi thứ với số ba. Câu xin cô Mus dạy cho mình viết con số đó, và sau ba năm miệt mài rốt cuộc cậu cũng đã làm được. Tất cả các bìa sách của cậu mau chóng đầy những số ba to tướng, đẹp và đầy màu sắc. Cậu bị ám ảnh bởi con số ba. Cậu thường bứt mấy cái cúc ra khỏi cái áo đang mặc đến khi chỉ còn lại ba cúc. Cậu đeo ba lớp tất. Cậu có ba kiểu cặp, và trong mỗi cặp cậu luôn mang theo ba chai xì dầu. Thậm chí cậu có những ba cái lược chải đầu. Khi chúng tôi hỏi tại sao cậu lại thích số ba đến vậy, cậu suy nghĩ mất một lúc rồitrả lời có vẻ rất hiểu biết, cứ như trưởng thôn đang khuyên răn dân làng làm điều tốt vậy. "Bạn tôi ơi," cậu nói giọng biết tuốt, "Đức Allah thích những con số lẻ mà".

Tôi thường săm soi khuôn mặt Harun để cố tìm thấy điều gì đang ẩn chứa trong đầu cậu. Cậu nhoẻn miệng cười mỗi khi thấy tôi như vậy. Do nhận thức được mình là học sinh lớn tuổi nhất lớp nên cậu thường quan tâm tới chúng tôi, như thể chúng tôi là những đứa em trai em gái của cậu vậy. Có nhiều lúc sự quan tâm của cậu khiến chúng tôi rất cảm động: Một lần, rất bất ngờ, cậu mang đến trường một cái gói rất to và cho chúng tôi mỗi đứa một củ khoai môn luộc. Đứa nào cũng có một củ. Riêng cậu có ba. Cách hành xử của cậu rất người lớn, nhưng thực ra cậu chỉ là một đứa trẻ núp trong vóc dáng người lớn.


#Borek (Samson)

Mới đầu nó chỉ là một học sinh bình thường thôi. Cách hành xử của nó cũng chẳng có gì đặc biệt. Thế nhưng cái cơ duyên nhặt được một cái chai chứa sản fẩm mọc tóc sản xuất ở đâu đó trên bán đảo Ả Rập đã mãi mãi thay đổi cuộc đời nó.

Trên cái chai ấy có hình một ông mặc quần shịp đỏ chói, thân hình cao to lực lưỡng và lông lá như con đười ươi.

Từ đó trở đi Borek không quan tâm đến bất kỳ điều gì ngoài việc làm sao cho cơ bắp của nó phát triển [...]

Chuyện này quả là kỳ cục, nhưng ít nhất Samson đã tìm thấy cái tôi của nó lúc còn rất nhỏ tuổi và biết đích xác nó muốn gì sau này [...] Nó đã bỏ qua được gia đoạn tìm kiếm bản thân - giai đoạn người ta vẫn còn thiếu tin tưởng vào bản thân cho đến khi trưởng thành hơn. Có những người ko bao giờ tìm thấy bản thân mình và cứ thế đi đến hết cuộc đời như bao người khác. Samson hơn họ.


#Bodega (Pháp sư cá sấu)

Tối hôm ấy, Bodega thực sự đã dạy tôi một bài học về linh cảm. Và lần đầu tiên, tôi biết rằng số phận có thể đối xử với con người rất nghiệt ngã, và rằng tình yêu có thể rất mù quáng.


#Thầy Harfan

... nghỉ ốm cả tháng nay. Thầy lang bảo ông bị viêm phổi do hàng mấy chục năm trời hít phải thứ phấn kém chất lượng.


#Mahar

Chúng tôi chưa nghe thằng Mahar hát bao giờ. Cứ hễ tới lượt nó là lại đúng đến giờ cầu nguyện và nó chưa bao giờ có cơ hội thể hiện trước lớp.

Ko đứa nào thèm quan tâm khi thằng Mahar đứng lên. Nó đã đeo cái cặp sách lên vai chuẩn bị về rồi.

Khi đã lên đứng trước lớp, nó ko chịu hát ngay bài đã chọn mà cứ thế nhìn vào từng đứa bọn tôi. Chẳng đứa nào hiểu gì hành động bất thường của nó. Nó nhìn thật lâu và đầy ẩn ý [...]

Mahar đã sẵn sàng. Chúng tôi hồi hộp chờ đợi và ngớ người ra khi nó mở cái túi mây và lôi ra một nhac cụ: đàn ghi ta Hawaii!

Lớp học im phăng phắc. Mahar chậm rãi gảy đàn, khúc dạo đầu khuấy động sự im lặng hệt tiếng sầm rền xa xa. Mahar ôm đàn mặt buồn rười rượi Hai mắt nó nhắm nghiền và mặt nó đầy biểu cảm, tái nhợt đi vì cố nén cảm xúc vào trong. Rồi sau khúc nhạc dạo, nó bắt đầu hát chậm rãi với sắc thái thống khổ, nhưng giọng hát của nó toát lên vẻ đẹp andante maestoso - một vẻ đẹp ko lời nào tả xiết.


#Lintang

[Cha của Lintang]. Ông giống hệt một cây thông bị sét đánh: đen trũi, héo hắt, gầy gò và khô đét. [...]

"Cô giáo à," ông chậm rãi nói. "Thứ lỗi cho tôi, tôi khống biết đọc biết viết."

Rồi cha của Lintang rầu rầu nói thêm rằng ngay cả đến năm sinh của mình ông cũng ko biết nốt. Đột nhiên Lintang đứng lên đến bên cha mình, lấy tờ mẫu từ tay ông rồi dõng dạc, "Con sẽ điền vào tờ mẫu này sau, thưa cô, chừng nào con biết đọc biết viết hẵng!" [...]


Đối với tôi, sáng hôm ấy là một buổi sáng ko thể nào quên [...] tôi trông thấy  Lintang lóng ngóng đánh vật với cây bút chì to tổ bố, đầu chì ko đc vót nhọn, cứ như cầm một con dao thái. Cha nó đã mua fải bút chì ko fù hợp. Nó có hai màu khác nhau, một đầu màu đen, đầu kia màu xanh da trời. Đó chẳng phải loại bút thợ may dùng để làm dấu lên vải hay sao? Hay thợ đóng giày dùng để làm dấu lên da? Dù cho thế nào đi nữa, đây dứt khoát ko thể là bút dùng để viết.

Ông cũng mua fải loại vở ko fù hợp. Ấy là một cuốn vở bìa màu xanh dương loại ba ô li. Có fải đấy là loại vở dùng cho lớp hai khi chúng tôi tập viết chữ thảo ko nhỉ? nhưng có 1 điều tôi ko thể nào quên đc, đó là buổi sáng hôm ấy, tôi đc mục kích một đắ con trai miền biển, bạn cùng bàn, lần đầu tiên đc cầm bút vở. Và suốt những năm sau đó, mọi thứ nó viết ra đều là thàh quả của một bộ óc sáng sủa, mọi câu nói thốt ra từ miệng nó đều tỏa rạng một thứ ánh sáng chan hòa rực rỡ...

*
[...] Lintang khó lòng chia tay chiếc nhẫn cưới của mẹ nó. Nó nắm chặt nhẫn trong tay. A Bun, ông chủ tiệm vàng, phải gỡ từng ngón tay nó mới lấy được chiếc nhẫn ra. Khi Lin tang thả nhẫn ra cũng là lúc nó để nướt mắt tha hồ tuôn giàn giụa. ...

[Chiến binh cầu vồng, Andrea Hirata. Nhã Nam, 2008]

--
Cuộc sống khó khăn là 1. Thời kỳ Đức quốc xã là 2. Chiến tranh là 3: 3 đề tài này nói riêng và thể loại bi kịch nói chung - rất khó để viết hay, để không nhàm chán sáo mòn, ko giáo điều đạo đức, không rơi vào motype mua nước mắt rẻ tiền. (Tội nghiệp các bác nhà văn gặp phải cái thể loại độc giả như này.)

Tôi đã sẽ không đọc Chiến binh cầu vồng, nếu như chỉ đọc vài dòng giới thiệu trên bìa sách về một ngôi trường với một bọn trẻ con nghèo khó đi học. Ngay cả lời quảng cáo cuốn sách bán trên 5 triệu bản cũng chả xi-nhê gì với tôi. Thêm cái lời quảng cáo về thông điệp sứ mệnh cao cả bla bla càng làm tôi ngứa mắt. (Cũng tội nghiệp luôn các bạn làm sách khi gặp fải cái thể loại người đọc như này.)

À. Cuốn này lại còn tác giả Đông Nam Á nữa. Tôi ít chịu đọc cái gì ngoài văn học Âu Mỹ.

Nhưng tóm lại là bạn tôi quăng vào mặt tôi, bảo đọc đi phải đọc. Và tôi đã lỡ đọc rồi bị thuyết phục. Vâng cuốn này bi. Nhưng không nhàm chán mòn sáo mua nước mắt rẻ tiền. Vâng cuốn này hay, dẫu giả sử nó chỉ bán có 2000 bản đi chăng nữa thì cũng ko thể fủ nhận đc giá trị của nó.

Và nếu trước đó, 'Tốt-tô-chan cô bé bên cửa sổ' là tượng đài to tổ chảng trong tôi về sứ mệnh của giáo dục còn thầy Sosaku Kobayashi cùng với ngôi trường Tomoe là viễn cảnh vô vàn thương mến về một trường học như mơ. Thì Chiến binh cầu vồng thuyết phục hơn, giản dị hơn, thực hơn. Là một ngôi trường ngay trên mặt đất.

Và tôi sẽ không nói gì nữa. Vì bản thân cuốn sách đã là quá đủ. Nói thêm chỉ gây hiệu ứng ngược mà thôi.

*
Cuốn bạn quăng cho tôi là bản in 2008 2012. Nó rất quý, ghi chi chít phát biểu cảm nghĩ ở đầu sách. Tôi thì dán note chi chít, đọc xong ôm khư khư không muốn giả (bên tình bên sách bên nào nặng hơn?). May, Nhã Nam vừa mới tái bản. Tôi gỡ hết note trên cuốn 2008 2012 dính sang cuốn 2014 của tôi, vừa gỡ vừa đọc các chỗ đính note, hết buổi sáng.

Đem trả cuốn 2008 2012 cũng hơi hơi tiếc. Vì cảm giác thân quen thuộc về cuốn 2008 2012 chứ ko fải em 2014. Lại phải chờ, khi nào tôi đọc ẻm trọn vẹn từ đầu đến cuối. Để có cảm giác thuộc-về.



Monday, September 15, 2014

Nơi chốn



# Bên hông rạp Chuông Vàng

Có xa xôi gì đâu, cách đây 3 năm chứ mấy...

Khi ấy, quán cà phê bên hông rạp Chuông Vàng là địa điểm phơi nắng mỗi trưa HÈ của chúng tôi. Nắng như điên luôn (mùa hè mà lại). Nhưng trưa nào cũng dắt díu nhau ra đấy. Bình thường thồ nhau xe máy, thi thoảng lên cơn sang chảnh thì đi hẳn taxi.

Quán cà phê vỉa hè hồi ấy sao mà kinh dị đáng yêu. Vắng hoe hoe đúng kiểu trưa hè, chúng tôi tựa lưng vào tường, ngồi dưới tấm bạt che, nhìn xuyên qua những vệt nước nhỏ tong tong từ tấm bạt, ngắm nghía các bạn Tây balô lang thang. Áo bạn này quá kool. Kính bạn kia quá đẹp. Tóc bạn ấy chời ơi quá thèm. Váy maxi kia quá mê. Da rám nắng ấy quá kết... Cứ thế, chẳng cần lookbook: chúng tôi có ngay lookbook sững sờ hiển hiện, chuyển động, rực rỡ sắc màu và cá tính ngay trước mắt.

Sau này, những sớm mùa đông (vâng, phải là SỚM mùa đông và GIỮA TRƯA mùa hè), chúng tôi lại hẹn hò ở đó. Để co ro uống cà phê sữa nóng. Xem các bác già ăn sáng đọc báo uống cà phê bàn chuyện đại sự rôm rả. Có gì đó rất cũ rất thanh khiết mà rất êm đềm trong những sớm mùa đông ấy.

Rồi, sớm thôi, nơi chốn bồ ruột của chúng tôi bị xâm lăng. La liệt người. Choang choảng âm thanh. Không bao giờ còn những trưa hè im ắng, dù có nắng đến đâu. Chúng tôi chỉ còn vớt vát được một tí, một xíu xiu những buổi sáng lạnh kinh dị cực kỳ lạnh. Nghĩa là, đã lâu lắm lắm lắm, tôi chẳng ngồi đây nữa rồi.


Cà phê rạp Chuông Vàng giờ chỉ còn là dĩ vãng bi tráng.

--
# Lò Gạch

Điều an ủi kinh dị kinh khủng của Lò Gạch là vị cà phê y hệt vị cà phê Chuông Vàng. Và Lò Gạch nhỏ xíu, cũng chỉ chứa được một số lượng người nhất định. Không thể nhồi nhét như kiểu Chuông Vàng: Đầy là thôi. Mà, Lò Gạch cũng chỉ bị đầy vào giờ cao điểm buổi trưa khi dân văn phòng dạt xuống. Phần còn lại của ngày, khá vắng.

Nhưng điều đó cũng không đảm bảo rằng Lò Gạch là một nơi chốn tuyệt đối an toàn. Nhà quá nhỏ để chứa chấp nhân cách khổng lồ của bọn vô duyên. Có lần gặp thằng mặc đồng phục ngân hàng sơ vin choảnh chọe mà nói một chữ phải đệm ba chữ. Buổi trưa rác kín đặc tai vì từ đệm của nó. Lần khác gặp một thằng không biết định nghĩa thế nào, nhưng nó nói từ đầu đến cuối bằng thứ giọng nhừa nhựa ngai ngái cực kỳ chướng tai. Loa phường bật cũng có giờ nhưng thằng đó chắc không bao giờ ngậm mỏ lại cho được.

Những lúc ấy, chỉ còn biết nhấc mông lên và đi...

--
# Nên

Nhiều khi, nghe hỏi rằng quán này có hay chỗ này có ổn. Trả lời: Hên xui. Tùy vào việc hôm ấy mình bước chân nào ra khỏi cửa, mình đụng cây cỏ bốn lá nào hay chưa, mình có làm việc gì tốt không hay đang bị quả báo rình rập. Để mà hôm đó mình được ngồi chung với đại diện nào của nhân loại.


Wednesday, September 10, 2014

Trên đường


[#Iowa]
... lúc tỉnh dậy nhảy xuống đi bách bộ dọc theo dãy tường gạch cô đơn dưới ánh sáng một cây đèn. Con phố nào cũng dẫn đến hoang mạc và mùi ngô sực nức như đọng lại trong đêm.

[#Des Moines]
... tỉnh dậy khi mặt trời bắt đầu đỏ lựng. Và đây là lần duy nhất trong đời, giây phút lạ lùng nhất, tôi không còn biết đích thực mình là ai nữa - tôi đang ở rất xa nhà mình, bị ám ảnh và mệt nhoài vì chuyến đi, một mình trong một căn phòng trọ tồi tàn chưa từng thấy bao giờ, nghe thấy tiếng đầu máy hơi nước rít lên ngoài kia, tiếng sàn gỗ cọt kẹt, tiếng bước chân ngay trên đầu mình và các thứ tiếng động buồn thảm khác. Tôi nhìn lên cái trần nhà cao nứt nẻ và trong vòng mười lăm giây đồng hồ kỳ lạ thực sự không còn biết mình là ai. Tôi không hoảng sợ, chỉ đơn giản thấy mình là ai khác, một kẻ xa lạ...

[On the road, Jack Kerouac]





Monday, September 8, 2014

lảm nhảm nguyên ngày



*tôi xin trang trọng thề rằng tôi không viết bất cứ điều gì ra hồn. (ngoài cái câu vừa viết xong). phần còn lại toàn là nhảm, siêu nhảm và siêu siêu nhảm*

*tại sao lúc tối cần tỉnh ngủ thì buồn ngủ mõm mắt và ngược lại giờ là lúc lên chuồng thì mắt mở thao láo???*


#thứ Sáu. 108


sơ mi trắng
'yoga' jeans (là cái quần jeans mà có đứa mặc đi tập dô-ga được :-j)
high heel xanh jeans
son môi màu ma cà rồng mới hốt :))

trong bộ dạng ấy, đi tung tăng dọc hành lang tìm chổi quét phòng ông. đi ngược xuôi ko thấy đâu quay ra hỏi chị y tá cỡ độ ngoài 30. thấy chị đã nhìn mình cười sẵn. thầm nghĩ uê sờ ma? (hình như là tiếng Hàn Cuốc, có nghĩa là cái gì đấy???)

- Trông Hàn Cuốc nhỉ - chị cười cười.
- À à (ra chị cười vì thế). chị ơi có chổi ko em mượn - Hàn Cuốc lên tiếng. (Thực ra trong lòng rất xốc, vì mặc định cho rằng ko có người lớn nào ưa cái sì-tai đó.)
- Ờ em đến cái phòng bla bla bla kia...
- Dạ em cảm ơn.
Tung tăng đi tiếp. Đoán là chị vẫn chăm chú dõi theo. Ghê chưa choảnh chưa.

Lúc sau chị y tá xông vào phòng ông, tay lăm lăm ống tiêm.
- Ông ơi ông có nhớ cháu không?
- Xồi, cháu quê ở... chứ gì (quên mịe ... là cái gì rồi @@)
- Vâng ạ.
- Con cái dạo này thế nào?
- Bla bla... ông lâu lắm rồi không vào đây nhỉ.
- Ờ tháng trước mới đột quỵ đi cấp cứu ở bên khu công nghệ cao đấy. Lần này có dấu hiệu, nên vào đây... Tao biết rồi, trưởng khoa về hưu phó khoa lên trưởng khoa chứ gì, đọc thông báo thấy rồi...

Chị y tá ngồi chờ ông cụ bên cạnh để tiêm. Ông đang trong phòng tắm.
- Ông cụ tắm lâu thế. Ông tắm chỉ mười phút!
- Thôi để cháu sang phòng bên tiêm cho bên đó trước!
- Ờ để tao gọi ông.
- Thôi ông cứ kệ ông cụ.

Chị y tá đi. Ông thì vào đập cửa phòng tắm:
- Cụ ơi xong chưa ra đi. Y tá đến tiêm đây này.
- Vâng đây tôi xong rồi ông ơi.
- Ông tắm kỹ quá.

Thế là cụ kia ra cụ này vào. ('Ông để quần áo cháu mang về giặt nhé'. 'Ờ ờ')

Cụ kia ra, ngồi im chờ chị y tá. Cơm tối đã đưa đến nơi cụ vẫn chưa ăn.
- Tiêm à. Mấy hôm rồi ông toàn uống thuốc có tiêm gì đâu. - Cụ lẩm bẩm.

Chờ mãi chả thấy chị y tá đâu. Lại dẫn dệu bộ dạng Hàn cuốc đi dọc hành lang tìm chị.

- Chị ơi ông tắm xong rồi chị tiêm cho ông với. Ông chờ mãi chưa dám ăn tối.
- Ơ lịch tiêm viết lộn em ạ. Không phải ông, mà là ông ở phòng 28 cơ. Bảo ông ăn đi đừng chờ nữa.

Quay về báo cáo cụ. Cụ (thở phào) bảo chờ ông cụ nhà mình tắm xong ra rồi mới ăn tối cùng nhau.

Đến lượt ông cụ nhà mình nửa tiếng chưa thấy đâu :)) Tới khi cụ lập cập đi ra cụ giải thích "không ông tắm chỉ mười phút thôi còn giặt quần áo mới lâu chứ. xát xà phòng này rồi để một lúc rồi xả bốn lượt cơ mà.". "cháu bảo để cháu đem về giặt cơ mà". "thôi có mỗi quần đùi áo ba lỗ ông giặt được".

Rốt cục cũng dọn được đồ lề ra cho hai cụ ăn tối. Chờ hai cụ ăn xong dọn dẹp xong xuôi rồi mới té.

À. Kể chuyện cụ kia. Cụ rất VIP. Từng dạy trường sỹ quan/bộ đội gì đó ở Đà Nẵng, cụ khoe là có đến 6 ông tướng từng là học trò cụ. Lương hưu cụ cao vòi vọi, cụ lại còn sống ở Đà Nẵng, thành phố mà chi phí sống nó hết sức chi ư là đáng yêu :((. Chuyến này nhân dịp đầu thu đẹp zời cụ ra Hà Nội chơi. Mỗi tội đẹp đâu chưa thấy, thời tiết quá độc, cụ xuống sân bay bị vào viện luôn, khổ.



#thứ Bảy. bếp

ngoan như chấy, trốn Zoo, đi bơi. rồi về nấu cơm tối. tủ lạnh còn một đống xương sườn, lôi ra nấu canh với rau ngót và mướp (hình như lâu lắm mẹ ko nấu lẫn hai thứ này) (uầy nhiều xương sườn quá nước canh ngọt lịmmmm). nấu canh xong rán đậu. 

từ hồi nhà có bếp mới (hị hị version hiện đại của lợn cưới áo mới), chưa rán cái gì, hoặc là chưa rán cái gì = bên bếp từ (chỉ rán bên bếp điện). nên là lúc vứt đậu vào chảo rán xog thấy nó mãi vẫn cứ ùng ục ùng ục như kiểu đang nấu canh đậu với dầu ăn. do icon của bếp qá thông minh và IQ của người nấu quá cao. phải ngồi chờ mãiiiiiiii mới nghĩ ra ồ có khi fải chuyển chế độ nấu.

ấn bừa qua icon hình nhiệt kế (hay là hình cái chảo nhưg do IQ cao nên nhìn thành hình nhiệt kế???). ôi dồi. đậu chín nhanh ko kịp gắp!!!

IQ cao bèn nghĩ: à thì ra là phải tìm đc thứ phù hợp. chứ không chắc ngồi đến đêm cũng chưa rán xong đậu mất!

nấu xong tót đi chơi.


#thứ Bảy. Spy

con Red Velvet 910D gặp con Chaos 511.

chuyện. một em nhỏ thích một thằng nhỏ. thích đến độ sáng nhắn chào buổi sáng trưa nhắn chào buổi trưa chiều nhắn chào buổi chiều tối bảo 'ơ tối rồi à chào buổi tối'. thích đến độ thằng ku đi đâu nó cũng đi theo. đến độ có đợt nó ngồi lì dưới chung cư thằng ku ở. thằng bé sợ không dám ra khỏi nhà, ăn gì thì order rồi người ta ship.

thằng nhỏ phát rồ vì con nhỏ. con nhỏ cũng rồ nốt. vì nó chỉ thích thằng bé và muốn lẽo đẽo đi theo thôi có làm gì nên tội đâu???

'tội nghiệp cả hai đứa'. Chaos bảo thế. 'con nhỏ ko fải style của thằng nhỏ'.

y như lúc rán đậu. Red Velvet nghĩ. con nhỏ ko fải style của thằng nhỏ. có làm gì thằng nhỏ cũng ko thích. (chưa nói đến việc toàn làm những thứ khủng bố như kia).

'thực ra là nó dũng cảm mà. em thấy em chả bao giờ dám làm những thứ như nó.'
'nhưng làm thế để làm gì cơ chứ. khổ.'
'thằng kia có lúc kiểu van xin con này tha cho nó. em thấy nó chưa điên là giỏi lắm rồi'.

chuyển sang chuyện khác. kể lể. xong.

- chị có thấy thế có sao không?
- tao thấy không sao.
- đừng kì thị em nhớ.
- sao tao phải kì thị. bìnhhhhhhh thườnggggg mà.

nói vậy, nhưng chả hiểu sao thấy sụt hố. chả hiểu sao. (không phải sụt vì Chaos cũng ko sụt vì chuyện đó. chuyện đó hoàn-toàn-bình-thường mà).

quán vắng, ra mở Sigh no more, để nghe Winter winds.


Chaos lại lảm nhảm 'chị có nhớ hôm chị ngồi nhà em xong chị ngồi im cả buổi không. đó. em thích thế. đéo có đứa nào mà ngồi im mà ko hỏi đủ thứ.'


đã nghĩ là không rơi. nhưng cứ lơ lửng lừng khừng nôn nao suốt cả đường về.


#Chủ nhật. Trên đường

Thồ má đằng sau. Nói đến chuyện mối tình đầu của bạn Tét đã lấy một bạn.

- Xấu điênnnn. Nhưng biết đâu nó hót hay hơn Tét? Xồi Tét nhà mày tán gái quá chán. (vầng Tét nhà tôiiiii ko fải Tét nhà máaaa). Mà thực ra cả hai đứa mày đều chán òm. Nếu thích đứa nào thì phải bla bla bla... (bí kíp ra truyền thiên cơ ko thể lộ) chứ mày chờ nó laoooo vào á, không có đứa nào tự dưng nó laoooooo vào mày đâu...

Nói chưa hết câu thì có anh công nông chở cát từ ngõ nhỏ lao thẳng ra đường to ngay trước đầu xe :))

Ấy mẹ còn bảo không có ai lao vào con nữa heng?


#Chủ nhật. Bể (bơi)

(sẽ fải nghĩ tên khác cho cái bể. gọi là bể thì quá tầm thườnggggg ko fản ánh đc mức độ nung ninh của nó)

gạch nốt dấu X cuối cùng trên cái thẻ bơi 35 buổi (ặc è cả mùa hè giờ mới bơi hết.) định giữ lại cái thẻ làm kỉ niệm dưng anh soát vé đek cho. 'phải hủyyyy'. anh xé roẹt trước mặt. chẹp. thế chả có cái gì đoánh dấu dư kiểu là, chụp lại cái thẻ bơi, hoặc chụp hình tự sướng lày lọ trong phòng thay đồ, chả hạn.

thành tựu sau mùa hè là con Ếch đã có thể bơi ếch dọc bể chục vòng, tốc độ từ như 1 con rùa đã tăng lên = 2 con rùa ._. nói chung vẫn chậm như quái vật và hnhư đạp chân chả đúng lắm, 2 hnay trong nỗ lực đạp chân sao cho đúng thì về  đau xương cạnh đầu gối (dốt môn sinh, ko biết tả nó là xương gì). trộm vía nghĩ thầm có khi nào bơi sai kĩ thuật, chẳng những ko 'dài người ra' mà chân lại thành vòng kiềng ._.

chắc hết tháng 9 bể mới đóng. mai mốt mua cái thẻ khác, 10 buổi thôi. 10 buổi thôi mà.

vì cái cảm giác sau khi mệt đứt hơi như quái vật rồi xong xuôi chạy về nhà. uầy thấy đầu trắng tinhhhh nhẹ bẫnggggg kiểu nước nó cuốn trôi hết não rồi íh (hay là tác dụng phụ của clor, ngoài việc tẩy màu tóc thì xóa nếp nhăn trên vỏ não luôn thể???)

với cả nó là bể trong nhà, nếu vào lúc cuối chiều nắng rọi qua ô kính hứng sáng, thì sẽ có vệt lấp lánh lấp lánh dưới đáy bể. hoặc lúc lên đèn thì ánh đèn cũng làm đáy bể lấp lánh lấp lánh. con Ếch (sinh vật ưa ánh lấp lánh dưới nước) thích bơi ở vùng lấp lánh íh, rồi ngó người bơi xung quanh la đà như đàn cá mực bạch tuộc gì gì. đại khái là một cái bể thủy sinh cũng được của nó ấy.



Friday, September 5, 2014

Khúc Tháng Chín


- Du Tử Lê -

này tháng chín, mùa thu về rất sẽ
em biết không? tôi kẻ đứng bên đường
hồn tháng chạp, cuối đời khua tiếng gậy
em từ tâm có đủ lượng bao dung?

này tháng chín, mùa thu về như thể
giữa đêm qua, có kẻ lén vào
vườn hạnh phúc một người đang tập nói
chàng phục sinh như một giấc mơ

này tháng chín, mùa thu hồng, lối biếc
mưa ở đâu? ướt trí nhớ ai?
chàng đứng lại bên kia bờ nước cuốn
em bên này có lạnh đôi bàn tay?

này tháng chín, mùa thu về rất mới
bởi hôm qua có kẻ đã qua đời
hồn thánh thiện lối vào thơm cỏ cũ
em xạ hương từ quá khứ tôi

này tháng chín, này em, này tháng chín
em biết không, tôi, kẻ đứng bên đường
hồn hải điểu có bao giờ quy thuận
bỗng bình minh như một cửa gương

này tháng chín, lược đời tôi, hãy chải
và cho tôi sợi tóc cuối chân ngày
đêm tháng chạp tôi sẽ ngồi nối lại
những con đường (những sợi tóc rơi)

những con đường mãi mãi chả ai thôi
quên nhắc đến bởi chính hồn em đó

này tháng chín, nghe không lời nói nhỏ:
"hoàng hôn em, tôi gửi một que... diêm"

[9-1983]



Monday, September 1, 2014

Khoang trống




*
Lại gãi đầu gãi tai ngắc ngứ nói câu xin-lỗi. Là tôi xin lỗi cậu ta.

Vì tôi bướng quá và cố chấp quá. Tôi không tin, hay đúng hơn, không-chịu tin rằng cậu, trong lúc vẫn phởn phơ với tôi, lại vẫn buồn ủ ê não nề. Tôi đã không tin con người ta có thể vừa vui, vừa buồn. Nên tôi cho rằng cậu nói dối.

Nhưng, không phải.

*
"Buồn là hình thức. Vui là nội dung. Niềm Vui ngập tràn khoảng chứa của Nỗi Buồn." (Kun)

Lúc đó thì tôi chưa đọc Kun, và ngay cả khi đọc Kun thì tôi cũng chưa hiểu được (và thực ra Kun cũng chẳng liên quan đến trường hợp này cho lắm). Tôi chỉ dẫn ra đây vì cái 'khoảng chứa'.

Thứ tôi đang nói và muốn nói, chính xác là thế này. Một vài, hoặc, rất nhiều khoang, có thể đầy ăm ắp. Do tôi, do người này người đó điều này điều nọ lấp tràn. Nhưng riêng một khoang không lấp được, không đầy được. Tôi không làm đầy nổi. Không ai không cái gì làm đầy nổi.

Thế thì làm quái nào nó đầy được? À. Tự cậu ta có câu trả lời. Ai cái gì ở đâu vì sao thế nào.

Tự cậu ta có câu trả lời cho khoang trống đó. Dù chưa chắc trả lời được nghĩa là lấp được.

*
Vì sao tôi biết? Vì đến giờ thì tôi hiểu. Và vì hiểu nên mới muốn xin lỗi.

Thế còn, có trường hợp nào mà một khoang đầy ngun ngút có thể tràn sang và lấp đầy cho cho một vài/vô số khoang bên cạnh? Cũng có thể. Và cũng không thể. Điều này thì tôi không rõ nữa.

*
Tối Chủ nhật tuần trước. Tôi nhận ra mình muốn đi. Nếu Holden muốn bắt bọn trẻ con chạy chơi trên đồng cỏ. Thì tôi chỉ muốn đi đi đi đi đi. Chỉ muốn lúc nào cũng trong trạng thái đang trên-đường.

từ imgfav

Đâu cũng được.