Friday, March 20, 2015

Lá đa rụng, tơi bời

(title mượn chữ bác Đoàn Văn Cừ)

*
Xô,

Buổi trưa, em đi về, trong sân. Nơi trước kia nhận trông giữ xe giờ không trông nữa. Tấm biển 'nhận trông xe' đã bị xịt kín sơn đen. Em nghe kể, một hôm, một xe gửi ở đó bị mất. Chẳng biết các bên đã giải quyết vụ đó thế nào. Trên bảng tin của tổ dân phố, hiện có cái thông báo tìm người nhận trông xe mà chưa thấy ai mặn mà. Cái viễn cảnh để xe dưới sân rồi nhởn nhơ leo lên nhà cũng đã không còn nữa Chuyện xe bị cắt IC đã xảy ra từ trước đó, nhiều hơn một lần.

Nên hôm nay khi em đi trong sân không còn bãi xe, chỉ có lá đa rụng tả tơi phủ kín mặt sân. Chân em bước trên lá nghe lạo xạo.

*
Mấy hôm, một bạn lâu rồi không đụng chạm gì nhau, vào hỏi mua cà phê ở đâu bây giờ. Em đang bận vẫn phải quay ra để hét lên: Lam. Và vì Lam ở Hà Nội đóng tiệm rồi, em cho bản contact của anh chủ quán để bản liên hệ. Bản kể lể rằng cần mua cà phê để sếp bản tặng cho đối tác/ đồng bọn gì đó, người nước ngoài. Em nói cho bản yên tâm là cf Lam đem tặng nhiều người nước ngoài lắm rồi, chỉ cần khi gọi điện bảo anh ấy cho cf mới date dài một tí. Em cũng nói 'cứ bảo là bạn của Chang'.

Bản đáp, ừ nãy gọi điện cũng đã định bảo thế. Mà sợ anh ý không nhớ ra.

Em nói, nếu ảnh không nhớ em em sẽ chết.
Bản bảo, đừng chết.
Em cười, đằng nào em chả chết.
Bản đáp, ừ nhưng không phải bây giờ, và không phải vì cà phê.
Em nói, đây không phải là chuyện cà phê. Mà là chuyện, một người mình cho rằng sẽ không quên mình, hóa ra lại quên mịe mình luôn. Nghiêm trọng đấy, đừng đùa.
Bản quote: nothing last forever?

Đến đây thì thôi em không đáp. Chợt nghĩ ra là nếu anh chủ tiệm cà phê kia quên em, quên con bé khó tính đòi espresso với crema này nọ, quên con bé đến ngày đóng cửa tiệm còn ngồi uống tách cà phê cuối cùng với anh. Thì em đau lòng lắm.

Nhưng nếu là bản, chính bản đó. Quên em. Thì em thấy không sao cả, cứ quên đi. Như bản đã từng là gì đó trong cuộc đời em. Giờ bản đi qua rồi.

*
Nên, khi em chưa kịp viết entry này và đọc comment tối qua của Xô, em đã cứ buồn cười.


Tuesday, March 17, 2015

Soul


(Tôi nghĩ khi viết về cái điều, mà tôi sắp viết dưới đây, thì có vẻ như đang khoác lên người cái bộ dạng cảnh-vẻ của các bô-lão-nhà-văn hay super soi hồi xưa cộng thêm cổ hủ bảo thủ super thủ cựu. Kiểu thế. Nhưng kể ra mô-típ í cũng chả có gì mới đối với một đứa khó tính như ma như này. Nên thây kệ.)

*
Tôi sẽ bắt đầu bằng buổi trưa nay, trời nắng uể oải và tôi không nghĩ ra bất cứ thứ gì tôi muốn ăn cả. Nên tôi ra chỗ nhà-hộ-sinh, vốn thường đc gọi với bí danh 'chỗ đi đẻ'. Nơi đó có rất là nhiều cây và nhiều hoa và ngồi trà đá ê a rất khoái tỉ và bánh mì hôm đó tôi ăn ngon kinh dị ngỡ ngàng.

Hôm nay, bánh mì như cứt.

Tôi chán đến độ không còn buồn thở dài nữa.

Tôi nhớ đến tiệm bánh mì ở Nguyễn Hữu Huân bán bánh mì Doner ngon gấp 1000 lần bánh mì Doner Hàng Bạc, rồi một ngày mát giời bánh mì bỗng quay ngoắt không thể nuốt trôi.

Tôi nhớ đến quán cà phê Chim sẻ nơi đã cứu vớt tôi khi Lam đóng cửa. Rồi được ba ngày nó lập tức trở nên dở ẹc và khó ưa ngay được.

Tôi nhớ đến quán cà phê mới mở bé tí vắng hoe trong ngõ Phan Chu Trinh, lần đầu tôi thử espresso thì tài tình là các ẻm đã làm đc thứ espresso gần ngang với Porevol. Nhưng chỉ lần thứ hai quay lại, thì ẻm phục vụ mới làm tôi không dám gọi espresso chỉ dám order đen đá không đường. Mà cà phê thì khét và ẻm cho nhiều đá quá. Tôi vớt hai cục đá to như con bò khỏi cốc, để em nhìn thấy cốc ẻm có xíu xiu cà phê. Em xin lỗi, nói em mới làm em chưa quen chị thông cảm. Tôi không thông cảm được. Tôi ko biết chủ quán đã training em thế nào để rồi giao cả quán cho mình em, khi đó. Làm đồ cho khách như thế?

*
Tôi nghĩ lộn xộn rùm beng về chuyện vì sao những cái quán mà tôi từng ưng, không thể giữ phong độ cho nổi, không thể đều-tay cho nổi? Thử một quán mới và đồ chán òm, sự hên xui ấy có thể chấp nhận (mà phải chấp nhận thôi). Nhưng ăn/uống đồ dở ở một cửa tiệm đã-từng-ngon. Thì đấy là một sự phản bội kinh khủng mà tôi không sao nuốt trôi.

Rồi tôi nghĩ đến chuyện, thứ gì đã tạo nên linh-hồn của mỗi nơi chốn, quyết định việc tôi có ưa chốn đó hay không? Giả sử các sản phẩm chẳng khác nhau quái gì. Thì linh hồn sẽ đc tạo bởi, 1 phần không gian, và 10 phần là con-người.

Tôi thích những quán quen nơi chủ tiệm, nhân viên đủ ân cần để nhớ chính xác đồ uống tôi muốn, nhưng cũng đủ kín đáo để tôi không có cảm giác bị tọc mạch bị nói nhiều bị hỏi nhiều bị xâm phạm riêng tư. Như Lò Gạch như (đã từng) nước chè Cây khế như (đã từng) Lam.

Tôi thích việc bán mua có gì đó nhiều hơn là chuyện chỉ lấy đồ - đưa tiền. Như bác béo bán rau ở chợ nhà bảo trời ơi dạo này đi đâu lâu lắm mới thấy. Như anh thợ giày góc chợ Đồng Tâm bảo ô hay thích chỉ đạo à, giày anh sửa hay em sửa hả.

*
Lúc, chúng tôi luyện Speaking có cái câu hỏi là, mày hàng ngày đi làm trên một chặng đường y xì ngày qua ngày hả. Tôi trả lời không mỗi ngày tao lượn lờ một đường khác nhau, có khi vòng vèo xa hơn tí nhưng mà tao thích. Chả hạn mùa này phố này có cái cây kia trổ hoa... Với tao thì một túp nhà hay một tán cây cũng có thể makes my day.

Rồi sáng qua, sáng nay, tôi đều đi dọc Lê Duẩn.

Người ta đã bắt đầu chặt hạ cây từ phía ngã tư Đại Cồ Việt ngược lên. Hôm qua là bằng lăng và cây con gì đó. Hôm nay hành vi chặt chém leo thang đến giữa phố. Họ chặt hạ một cây bàng mà gốc cây phải cả vòng tay tôi ôm vừa (như thước đo của Xô thì cây này phải 1.5 Lu). Mặt đường vung vãi những nhánh cành đen thẫm vừa nhú ra những mầm xanh mơn mởn. Tôi vít ga đi. Như lướt qua một vụ tai nạn. Nghĩa là tôi chẳng bao giờ dám nhìn.

Tôi đ' hiểu mùa xuân đã biến thành Tết-chặt-cây từ bao giờ. Phố ngổn ngang những lỗ trống đã-từng-là-cây. Nghe bảo, người ta cầm cái êke đặt vào gốc. Cây nào không vuông góc thẳng tưng chín-mươi-độ, sẽ bị đốn, can tội ngả-ngốn. Như cái cây bàng kia đã ngã, can tội chỉ đứng được có tám mươi chín độ thôi.

*
Thành phố cũ nát tôi yêu rồi sẽ ra sao?

Có lẽ, theo học thuyết lỗi-tại-tôi, thì vì tôi cũ nát quá chẳng theo kịp Thành phố Mới?

Hay là, theo học thuyết mỗi-người-mỗi-ngả, thì tại vì bọn mình đã rẽ đi những ngã quá khác nhau?




Monday, March 16, 2015

Bên nhà ai, từ radio...


Con phố bên hông nhà, được cái, ban ngày thì đông bẹp ruột vì là trục giao thông chính, nhưng đêm đến sẽ vắng hoe vì không phải trục "ăn chơi" chính. Nếu ko fải thi thoảng có tiếng xe rú ga, thì phố hầu như tĩnh lặng, chỉ vọng lại tiếng xe chạy rù rì êm êm.

Hôm qua tôi ngủ sớm. Trong lúc chập chờn, nghe đâu đó tiếng radio. Như có hôm khuya khoắt hai giờ sáng vẫn nghe 'nay da em nâu tươi màu suy nghĩ...'

Nhưng hôm qua lúc ấy chẳng phải bài hát nào vui tai cả. Chỉ là một kênh radio nào đó, có thanh âm đặc trưng đài-tiếng-nói, phát một bài ca tôi ko nghe rõ lời cũng ko nhận ra giai điệu, chỉ biết nó đúng cái kiểu radio-truyền-thống. Nghĩa là nó mang vẻ nghèo nàn, buồn và quạnh hiu làm sao.

Tôi thấy như tôi sáu tuổi, những buổi tối ở nhà ông bà. Chỉ có hai ông bà lọ mọ, và tôi, và tiếng radio vang vang, trong ánh sáng leo lét vàng vọt của cái bóng đèn sợi đốt ít-tốn-điện nhất có thể.

Tôi thương những ngày tháng đó vô chừng.



Thursday, March 12, 2015

Chú chuồn chuồn ngày mưa


Trời tiếp tục mưa rả rích lê thê. Mưa như bụi, nhưng lâu lâu đủ đọng thành giọt, gõ tong tong lên những mái tôn.

Nhưng có vẻ trời vẫn hửng lên xiu xíu. Như hôm qua gần sáu giờ mà chưa tối lắm. Tôi về, ra 'thăm' vườn. Thấy trên hàng rào có một chú chuồn chuồn đậu lặng lẽ. Tôi nín thở chụp lại chú để khoe Xô. Tự nhủ phải rón rén để chú đừng bay mất.

Trưa nay tôi về. Đem đồ ra ban công ăn trưa. Lúc ngẩng lên nhìn, thấy chú chuồn chuồn vẫn loay hoay ở đó.

Có phải chú bị lạnh không? Có phải đôi cánh chú đã sũng nước? Tôi có nên đem chú vào nhà không? Chú có nghĩ là tôi cầm tù chú và chú chết đói thì sao cho chú ăn gì đây?

Tôi không biết phải làm gì với một chú chuồn chuồn.


Rốt cục, tôi đọc bài này và sau đấy thấy nên để yên cho sự tự do của chú.

"Con bọ cạp nước sống trong nước 18 năm, qua 10 lần lột xác mới ra khỏi mặt nước biến thành con nhộng, cuối cùng lột xác biến thành chuồn chuồn"

Với sự từng trải đó, thì đâu cần đến lượt một đứa-người phải lo cho một ngày chú loay hoay?





Tuesday, March 10, 2015

Take a sad song, and, make it better

Bạn,

Tôi mới thay avatar (có nghìn cái ava ở nghìn nơi, đây chỉ là một trong các nơi). Chẳng phải vì cái mới đẹp hơn cái cũ, mà vì một chuyện tôi sực nghĩ ra.

Tôi đã nghĩ về việc thời tiết lướt thướt lê thê nhưng những cái cây vẫn hớn hở đẹp mặc kệ đám người than vãn. Tôi đã nghĩ về việc, ờ tôi thực là chả-ra-đâu-vào-đâu thực, nhưng that's the real and (almost) the best me. Nếu tôi có được lựa chọn lại, thì vì tôi-là-tôi, tôi sẽ vẫn cứ như thế. Tôi đã hoang mang, chỉ vì tôi đem tôi so sánh với xung quanh. Tôi vẫn biết đặt tôi vào hệ quy chiếu xung-quanh là quá quá ư sai lầm. Chỉ là, cái thứ xã-hội-xung-quanh, áp-lực-xung-quanh nó mạnh mẽ quá ghê gớm quá, nó ra sức ấn tôi vào hệ quy chiếu của nó. Nên đôi khi tôi không kháng cự nổi. Đôi khi tôi bị cuốn theo. Đôi khi tôi quên - hệ quy chiếu riêng tôi.

(Cũng như kiểu bọn giám ngục Azkaban lượn lờ nhiều quá, hút cạn kiệt niềm vui quá, nên chúng ta chỉ còn là những cái xác lờ vờ.)

Nhưng mà chừng nào chúng ta còn biết mình muốn đi đâu. Và muốn tha thiết đủ để outweigh cái hệ quy chiếu xung-quanh. Thì tôi tin là chúng ta sẽ tới được nơi mình muốn đến. If you know where you want to go, any road will take you there. Dù có đi nhầm đường, dù có bị xao lãng bị lơ đễnh bị dụ dỗ bị... đầu độc. Như chú Sirius đã đủ niềm tin để vượt ngục Azkaban đấy thôi?

Lúc chiều đọc Sad Story của bạn, tôi đã chẳng biết nói gì. Giờ thì, đó, là những gì tôi muốn nói.


Và đó là câu chuyện về cái ava tôi-đứng-im, đã được thay bằng một cái hình tôi-chuyển-động.

Saturday, March 7, 2015

Lép nhép


Tôi giăng ô, đi về nhà từ bãi gửi xe Cây khế. Đi bộ dưới mưa lất phất, nghe vẻ nên-thơ. Nhưng chạy xe thì chỉ thấy ướt nhép bẩn thỉu. Hôm nay còn bớt mù sương. Những ngày mù sương và mù mưa, ngồi ở Vườn Xanh, tôi ko biết cây cối có vẻ hớn-hở-hứng-mưa-xuân không, hay chỉ thấy não nề?

Tôi đã than vãn với con Tèo về cái thời tiết ẩm xì nhão nhoẹt. Giờ nghĩ, chắc một đứa ở phương Nam hẳn ko thể tưởng tượng nổi cái cảnh ủ ê lê thê này đâu.


Lối vào nhà đã kịp dựng lại cái CỘT cấm ô tô, vốn dĩ đã đc dỡ ra suốt Tết, cho xe đậu tràn lan (chả hiểu sao lại cấm, rồi ko cho xe đậu và ko thu đc tiền gửi xe, bắt tôi nộp 1 đống tiền linh tinh thay thế).

Trước lối vào một tí, tôi gặp một thằng nhỏ trông quen quen. Tôi đoán nó là em của thằng bé Tóc Vàng, mà có đợt tôi từng làm cùng. Hồi ấy Tóc Vàng cắt hết tóc hai bên, để lại trên đỉnh tóc dài, mượt, nhuộm vàng và hất sang một bên. Thằng bé từng vào Sài Gòn học nghề cắt tóc, nhưng khi tôi gặp thì nó đang làm việc linh-tinh. Tôi ko rõ đến giờ nó còn làm việc-linh-tinh nữa không. (Mà tôi hồi này có khác gì khi tôi, hồi gặp nó? Có linh-tinh kém gì nó?)

Ở chân cầu thang, có mấy cô, có lẽ là ve chai bán rong gì đó, trải những tấm các-tông nằm nghỉ trưa với nhau. Các cô đắp chăn bằng bao tải gai. Tôi không biết chăn bằng bao tải gai có ấm?

Các nhà kinh tế học vẫn dai dẳng cuộc tranh luận về ảnh hưởng của Tết-ta đến GDP, rằng thì cả tháng Tết-ta, coi như chả làm đc việc gì cả, có lẽ nên gộp nó vào Tết-tây cho được việc?

Tôi thì chỉ biết trong cái tiết trời nhão nhoét này, nỗi chán chường ngập ngụa và tôi thì chẳng làm được bất cứ cái gì ra hồn.