Sunday, February 26, 2017

Ngàn cây thắp nến




Những hôm vẫn còn nắng (như là mùa hè), vào cuối ngày, khi phi xe lên khỏi hầm, sau suốt cả ngày dài ở trong hộp-kính, sẽ bắt gặp trời se se gió lộng. Anh ko khỏi chặc lưỡi, nghĩ: mùa-xuân phải thế chứ! Và những ngày nhiều gió, anh thích mặc các thứ nhiều lớp lòe xòe bay bay. Dù có khi anh chỉ gặp gió một phút ba mươi giây khi đi qua sảnh tầng 1 xuống hầm tìm chỗ ăn trưa.

Rồi trời lại đùng đùng trở lạnh (có thể chỉ là vì cô Nâu học quá chăm ko thể tưởng tượng nổi :D). Và một buổi sáng lạnh anh ko có xe, đi nhờ xe bố, vì thế vòng vèo lên phố.


Buổi sáng không mưa, nhưng ẩm. Hình như mưa đâu đó đêm qua. Và một vài đêm như thế nữa, có lẽ. Mưa rất nhẹ nên anh không biết được. Nhưng cây cối thì biết. Và trổ lộc xanh nõn như mơ.

Những mầm non lấm tấm của cây bàng vừa độ xanh sáng nhất, không một vẩy nâu. Và những cây, những cây, bình thường anh chẳng nhớ tên, giờ cũng đâm mầm xanh mượt. Những cây ban tím (móng bò) thì kín hoa. Anh nôn nao nghĩ. Mùa xuân phải thế chứ!

.
Hạnh phúc của những ngày trời lạnh, là đi xa bỏ mẹ ra, để ăn được bát phở. Rồi ngồi cà phê (dù cũng vội bỏ mẹ ra). Nhưng anh vẫn thở ra hạnh phúc. Của việc ngồi cà-phê, lâu lắm rồi. (đôi khi thời gian trở thành một chuỗi bất tận không phân biệt được ngày nào với ngày nào, chỉ biết là giờ trôi, và ngày qua, và tuần đi). Và khi trên đường về, gặp long não xanh non rưng rưng. Anh ước có chút mưa để ngửi thấy mùi hoa hăng hắc.

.
Hôm khác, anh gặp một cây sưa hoa trắng lẻ loi trên bờ sông Tô Lịch. Không một mảnh lá, chỉ có thân cây nâu và những vầng hoa trắng. Rồi anh đi qua đường Láng. Tự nhiên đoán chắc K. có hàng sách cũ thân thiết nào đó ở đây, chả hạn. Rồi anh thấy cũng thú vị ghê khi tới một thành phố mới rồi ở đó lâu lắc lơ và rồi có những nơi chốn của mình (như bà Giang thậm chí có hàng rau quen, chả hạn), và quen thuộc với hơi thở của thành phố (khi nào nó thở mùi thơm và khi nào nó thở mùi thúi hoắc, chả hạn). Nhưng rồi anh lại nghĩ ngay rằng anh lậm Hà Nội thế này chắc gì đi đâu được? (Dù Hà Nội gần đây thúi hoắc đi nhiều).

Rồi anh chợt nhớ ra là dạo này anh không có thêm người quen chốn thân nào cả. Giao tiếp mua sắm là shipper và thu ngân. Cũng chẳng mua sắm nhiều nhặn gì đến độ nảy sinh những mối quen thân. Không có những anh những chị những em tiệm cà phê nhìn mặt anh mà bưng đồ. Ko có những tiệm hàng đến mua thì ít buôn chuyện nhảm nhí thì nhiều.

Nếu mấy bữa trước viết (cóp lời Trịnh) rằng bạn bè chào nhau quen tiếng phố em qua gạch ngói quen tên.

Thì giờ chắc phải sửa thành bạn bè chào nhau quên tiếng và phố anh (từng) qua gạch ngói quên tên anh rồi.

(Thì bởi, cũng đâu cần nhớ?)

.




Thursday, February 9, 2017

Tháng giêng là tháng ăn chơi



(khi ông nội đọc câu tiếp theo: 'tháng Hai cờ bạc tháng Ba rượu chè" thì anh giãy nảy lên bảo không phải thế (chết thơ ca gì lại có cờ bạc với rượu chè!) xong ông bực mình bảo chả thế thì gì!)

Tháng Giêng là tháng ăn chơi
Tháng Hai cờ bạc tháng Ba rượu chè
Tháng Tư đong đỗ nấu chè
Ăn Tết Đoan ngọ trở về tháng Năm...

Và anh đang ngồi chờ cà phê. Dưới tán cây sưa đỏ - thậm chí còn chưa rụng hết lá nên chưa có bất cứ dấu hiệu gì của việc ra hoa. Có lẽ việc một đống cây sưa (nghe bảo) đã ra hoa cũng ko ảnh hưởng gì tới cây sưa này.

Trời (lại) lạnh như mùa đông. Sáng hôm qua và hôm kia đi đường, thì trời chưa lạnh lắm nhưng xám và rất ẩm - kiểu mùa xuân. Rồi bất thình lình nàng Đông tối qua đùng đùng giận dữ va li hòm xiểng gió mùa quay về. Ơ hay :))

Và có thể là buổi sáng không-làm-gì khiến cho đồng hồ sinh học của anh rột roạt chạy êm êm trở lại (trộm vía). Tự nhiên lại thấy đầy đủ sức lực để làm cái đống đang làm, tiếp tục các thứ đang tiếp tục. Vác bụng, và chạy xe. Và đánh nhau và các lớp học. 


Nhưng cũng có thể đồng hồ lục cục chạy lại, vì con-người. Vì lúc đi đường tự nhiên nhớ đến anh Quả Trứng vẫn nói chuyện thật thà chân tình, Wiki vẫn nói chuyện nhà và bỉm sữa vớ vẩn, và Xô hay ấm ức các chuyện hâm hâm, và chị Răng-khểnh-bán-kem (giờ ko còn bán kem) nhưng điện thoại hỏi chị 2' xong lấy đc cái mình cần hỏi. Và thùng xoài keo 9 kí-lô của con Tèo.

Những điều đó anh lúng túng không biết gọi tên ra là gì cả, khi mà anh đã coi mọi thứ như Mây. Nhưng có vẻ như con-người bị dính líu, ràng buộc nhau một cách rất buồn cười gì đó. Anh không hiểu mấy, mà cũng không cố hiểu làm gì.

Ừ, như hôm qua anh đã định bảo Xô là có những điều ko cần cố hiểu làm gì.




Sunday, February 5, 2017

Những đám mây và cây cầu




Anh cười một cái. Và phải cười thêm cái nữa, cho sự lẩn thẩn của anh.

Lúc, chạy từ cái nhà này về cái nhà kia. Anh nhận ra là mình lẩm cẩm vô cùng. Anh đòi Tết có tất cả những thứ ti tỉ đó. Nhưng, hãy nói thật lòng. Liệu làm đủ ti tỉ thứ đó đã đủ để ra không-khí-Tết chưa? Hay rồi sự vô hồn lại làm anh đau nhói? Vì nhà đã khác rồi. Những người lớn đã khác rồi. Đám trẻ con hồi xưa cũng khác. Đám trẻ con đã từng thân giờ thành thân ai nấy lo, kiểu vậy.

Anh nhìn trời, dù mây không đẹp lắm, nhưng nó làm anh nhớ những hôm anh chạy trên con đường băng qua những cánh đồng và băng qua những xóm làng (hic tên dài quá). Những hôm trời lồng lộng đầy mây. Và anh nửa buồn cười nửa buồn khóc.

Hóa ra các thứ như mây. Nhưng anh cứ muốn chúng hãy là cây cầu Long Biên mãi-mãi của anh, hãy đứng im đó cho đến khi anh chết (để anh biết còn có một điều là mãi-mãi trong cuộc đời này). Rõ ràng là mây không thể ở yên đó như cây cầu. Bởi mây, cho dù anh thích đến mấy, anh vẫn biết là một chút xíu nữa nó sẽ tan tác thành muôn vạn mảnh.

Anh đã rất vui mỗi khi thấy mây, và bởi hiển nhiên cho rằng mây-sẽ-tan, hiển nhiên hiểu thấu rằng anh không thể giữ mây đứng yên. Nên ngắm mây thì cứ phởn vậy thôi còn khi mây tan thì cũng không làm sao cả. Những điều này cũng thế. Những mối quan hệ. Những thói quen. Những tình cảm. Những nơi chốn. Bởi chúng là mây, nên hãy cứ vui khi chúng đến. Nhưng đừng trông đợi chúng đứng yên. Thì sẽ không bị buồn thương này nọ khi chúng biến mất.

Mây trong đời thì nhiều mà. Chứ cầu Long Biên có mỗi một đấy thôi?

Và hóa ra ý niệm ''phù duy phất cư" không chỉ áp dụng cho anh, mà áp dụng cho mọi điều quanh anh.

Phù duy phất cư
thị dĩ bất khứ

Có thể dịch là:
Bởi (biết rằng) mọi điều không (ở lại) mãi mãi
Nên chẳng phải buồn thương khi chúng ra đi





Saturday, February 4, 2017

Mưa xuân



Vì tóc người mềm mưa xuân mới 
nên ta về đứng đợi tháng Giêng
trời sẽ nhớ mùa mang mưa tới 
người có vì ta thả tóc nghiêng?

(Tóc mưa, Vũ Duy Hiển)



Mình đã nghĩ là cái thời sến sủng này kia qua rồi mình giờ calm với cool bỏ xừ ra. Lại cũng nghĩ, mình đang calm với cool mà hết cái giai đoạn moody freaky nhạy cảm này nọ rồi.

Nhưng mà, Tết đã rất nắng. Cho đến sáng nay thì mưa xuân và trời âm u (sáng qua mưa chút xíu, ít hơn). Mà qua trưa thì trời cũng hửng lên rồi.

Nhưng mà, tối qua đi loăng quăng đọc phải entry cũ mà chỉ có một dòng ấy mà.

Nhớ lại, mình ko nhớ hồi ấy mình đã vụn vỡ thế nào. (Các vỡ vụn khi đã qua rồi có vẻ như na ná nhau, mình thật). Cái mình nhớ hơn là X hồi đó thế nào. Mình nhớ tấm hình hắn chụp, entry hắn viết. Mình nhớ khi mình lăn ra ngủ khoèo thì hắn vẫn trằn trọc không yên và "tại sao" rất nhiều (hâm bỏ mẹ).

Và khi nắng lên thì mình nhớ tấm hình selfie một hôm Tết nắng, năm đó. Ah, khi đó mình ngồi chờ Min tới. Min với Vịt hay với Captain, không nhớ. Nhưng Tết năm đó đã rất bận, vì mẹ ốm, mà rất vui, vì mình chạy loạn làm đủ thứ với hoa hoét này kia mùi già này kia và bánh chưng ồ tất nhiên rồi.

Lại nói, bánh chưng. Trưa 30 Tết ở một nơi xa tít mù khơi và chat nhảm với hội Áp chảo về các phong cách bánh chưng này nọ, nhớ bố ngút trời. Mặc dù mẹ là người thổi đỗ vo gạo nhưng bố là người làm cho việc gói bánh trở nên nghiêm trọng và trầm trọng. Như Thính nói, kiểu trong truyện chưởng bắt gánh nước tưới cây mấy chục năm rồi mới dạy võ cho, bố là kiểu cho mày rửa lá tước lá làm đủ mọi thứ gần chục năm rồi mới được sờ vào gói bánh (lâu mà, vì mỗi năm chỉ gói có một lần). Mình không đếm được bao nhiêu lần đứt tay vì tước lá, vì xé lạt, nhưng vì bị "di truyền" từ bố quá nặng nên chỉ có bánh chưng gói tay mới ngon các thể loại gói khuôn cắt lá vân vân mời sang hành tinh khác, tỉ lệ trộn gạo - muối chuẩn mực hãy là hai cân gạo và một thìa ăn phở muối ăn, nhân bánh không hành hẹ linh tinh chỉ có đỗ và thịt (ướp tiêu và mắm thật ngon, thơm lừng). Các tip nhảm nhí như ngâm bánh qua một đêm rồi mới luộc, cũng xin dẹp qua một bên: bánh chuẩn mực của-bố luôn được luộc đủ 12 tiếng kể từ khi sôi, luôn luôn châm nước đầy và luôn luôn được rửa, ép sau khi vớt bánh (lại nói, ép chặt quá bánh méo và cứng nhưng ép lỏng quá ko hết nước bánh sẽ dễ mốc và nát choét nữa). Và vì quá lậm bánh chưng tự-mình-làm nên chẳng bao giờ cần phải gói lại bằng lá xanh để bày bàn thờ cho đẹp (để trần trụi thế đẹp quá, the beauty of trần trụi hihi). Tới khi bóc bánh, cắt bánh: chuẩn mực là không được làm cho bánh tòe loe. Đến khi ăn bánh, đúng chuẩn của gia đình là bánh chưng phải ăn vuông-góc :D.

Và khi đặt trong 'concept' Tết, hóa ra bánh chưng cũng chỉ là một điều quá nhỏ tí ti (nhưng không được thiếu), bên cạnh những ti tỉ thứ tên là dọn nhà, đào, quất, hoa hoét, lá mùi già, cá kho, giò xào, thịt đông, canh măng, miến, hành muối, dưa góp, mâm cúng Tất niên, Giao thừa, mâm cúng ba ngày Tết và khi hóa vàng tiễn cụ. Rồi xông đất, lì xì và chúc tụng và nhậu nhẹt khi Giao thừa (mình kệ mẹ thế giới đứa nào gọi điện nhắn tin gì cũng mặc). Và áo dài. Và đi lễ phủ Tây Hồ.

Bởi, cái gia đình truyền-thống đến phát mệt này với những lễ-nghi không được thiếu một tí ti này, mình sẽ bị sốc, nếu thiếu bất cứ gì trong đống ti tỉ thứ ấy. Hay có lẽ tất cả những chộn rộn phát mệt và phiền hà ấy mới khiến cho Tết khác-ngày-thường, Tết-cho-ra-Tết, và thứ mình cần hóa ra chẳng phải là ăn cho hết đống bánh chưng với cá kho giò xào dưa góp (mới gọi là ăn Tết), hay ngửi cho hết đống hoa hoét tòe loe (mới gọi là chơi Tết), mà chỉ là một thứ vô chừng gọi là không-khí-Tết?

.
Nhưng mình đã lết qua một mùa Tết chẳng có gì trong đó đấy thây?

Rồi còn những mùa Tết sau, và sau, sau nữa. Mình chưa biết chống đỡ thế nào. Đáp án chung chung đại khái là, làm bất cứ cái mẹ gì mà mình thích và ko làm bất cứ cái mẹ gì mà mình không thích.

Nhưng như thế có đủ không?

Một mình có làm ra Tết không?

.
Có lẽ trời đừng nên mưa nữa.
Nghe bảo sưa đã nở trắng cả rồi.