Monday, April 23, 2012

Dưới mái hiên nhà

[ Viết vu vơ, một hôm vô cùng nhớ. 
Những tháng ngày xa, những tháng ngày gần. 
Những ngày vừa qua, những ngày xưa tít tắp...]

Trời chiều, mặt trời đã lùi về đằng Tây. Hiên nhà chếch hướng đông nam rợp mát và mơn man gió. Ông bà con cháu ngồi hóng mát, nhổ tóc sâu, nói chuyện, lôi hoa quả bánh trái ra ăn cùng nhau, nhìn nắng rọi trên những mái ngói gần xa, nắng chan hòa trải khắp khu vườn. Chuối, bưởi, trầu không... dưới gốc là rau muống, rau khoai bò kín mặt đất. Giàn su su xanh rợp che mát cho một bộ ghế đá quây bên dưới. Trong sân nhà là hai cây nhãn cổ thụ, cùng với vô số hoa cây cảnh. Sen cạn, ngọc trâm, loa kèn đỏ, mai tứ quý, ngô đồng, lan ý, si, xanh, lộc vừng, xương rồng, bông giấy, sứ, vạn tuế... Chẳng phải ngẫu nhiên mà con cháu trong nhà lớn lên biết và nhớ nhiều tên cây đến thế!
*

Trung thu. Mâm ngũ quả bày trước hiên nhà. Người lớn ngồi trông trăng trong khi lũ trẻ rủ rê cả trẻ con hàng xóm hò hét rước đèn, hát hò inh ỏi khắp xóm. Cháu chắt lớn bé hóa ra bằng nhau tất. Con trai chia nhau đầu sư tử, gậy Ngộ Không, trống, đèn lồng rô-bốt, đèn cù...; con gái hí hửng cánh thiên thần, bờm thiên thần, gậy thiên thần, kính trái tim, mặt nạ công chúa, lồng đèn cho bọn con gái, đèn ông sao... Sân nhà lặng đi mỗi khi bọn trẻ tung tẩy rước đèn ra tít đầu ngõ, và ầm ỹ loạn lên khi chúng nó trở về. Bánh nướng bánh dẻo, chuối, bưởi, hồng, thạch sữa chua... và một đống bánh kẹo lôi ra lại cất vào nguyên xi vì không đứa nào còn bụng để ăn nữa.
"Kho" bánh kẹo của ông chưa bao giờ cạn.
*

Tết nhất, con cháu làm loạn nhà với đủ trò lau rửa trang trí trưng bày. Hiên nhà thể nào cũng bị chiếm đến một nửa vì quất, đào, mai, lan... mỗi năm một thứ.
Tết nay khác Tết xưa nhiều đến thế nào chăng nữa, thì nhà cũng không bao giờ thiếu nồi bánh chưng. Con dâu thay bà thổi đỗ, vo gạo; cháu gái thay bà rửa lá, tước lá; con trai thay ông gói bánh, bắc nồi. Rồi bày trò ăn uống nhậu nhẹt trông bánh tới nửa đêm...
Mưa. Lạnh. Bà hay đứng trong nhà nhìn ra, nhắc "tắt đèn ngoài hiên mày ơi". Ông bảo: "Cả năm có mấy ngày Tết, bà để chúng nó bật cho sáng!".
*

Giỗ chạp. Ông bà "giao cả cho anh chị" nhưng rồi vẫn cứ lo lên lo xuống từ một, hai tuần trước. Nếu giỗ to, sẽ lo trước cả tháng, dù lo thì cứ lo còn làm gì thì con cháu vẫn làm. Ừ kệ chúng mày làm gì cứ làm còn việc tao lo thì tao vẫn lo.
Giỗ xong, khách khứa về. Con cháu tha hồ dọn dẹp. Nhà nằm sâu trong ngõ xa mặt đường thật là xa, lại trở về im ắng như xưa nay vẫn thế. Lại ngồi ngoài hiên nghe gió rì rào. Ông bà thở phào. Con cháu lăn lê bò toài sau khi đã chạy rã chân.
*

Những buổi sớm, ông đi ra đi vào tập thể dục, cháu ra ngửa cổ vươn vai hít hà khí trời trong trẻo sớm mai, nghe đâu đây chim hót lách chách.
Những tối mất điện, nằm ngồi ngả ngớn ngoài hiên ngắm trời đất trăng sao, ông cháu ngâm nga truyện Kiều chỗ nhớ chỗ quên. Có khi xách đèn đi soi hoa quỳnh. Có khi chỉ nằm vắt chân chữ ngũ, nghe mùi đất trời vấn vương...

Chữ An, là cô gái dưới mái nhà...


[Version edited của bài này đã đăng Trà sữa 81]

12 comments:

  1. Wow văn tả của chị hay thật, làm em nhớ "nghệ thuật băm thịt gà" của Ngô Tất Tố :"]

    ReplyDelete
    Replies
    1. C chưa đọc cái này, e nói làm c hớt hải search để đọc ngay. 1 con gà chặt ra 92 miếng, ôi tía má :))

      Delete
  2. Nhà đông con cháu vui thật, e chưa bao giờ được hưởng cái vui đó, hức~

    ReplyDelete
  3. Lu răng viết hay quá. :). Giờ tết ở HN ko còn được như xưa nữa. Hoặc là già rồi ko còn thính mũi ngửi thấy mùi tết từ giữa tháng 12 âm hoặc là mọi thứ thay đổi quá nhiều. Nhưng nhớ nhất là sáng mùng 1 đường vắng tanh. Có rải chiếu lăn ra giữa đường cũng chẳng sợ xe kẹt chết.

    ReplyDelete
  4. Replies
    1. :) nên là nghỉ lễ 1/5 c đã q' định là về chơi với ông bà, k đi đâu cả :P

      Delete
  5. Yên bình quá, nhớ quê, nhớ những cảnh gia đình sum vầy mỗi lần giỗ tết.

    ReplyDelete
  6. Hơ, giờ mới nhận ra cái bài này

    ReplyDelete