Friday, November 30, 2018

Trước - sau





.
Tôi nghe tin bà mất lúc đang làm bài nhóm ở trường Cũng không đột ngột lắm. Bà đã tai biến và nhập viện khoảng 3 tuần trước đó, ngay trước đám cưới của chị họ tôi. Đám cưới ổn thỏa xong xuôi, chị tôi kịp đi honeymoon về. Rồi bà mới mất.

Sau này, khi nói chuyện với nhau, chị bảo chị nghĩ là bà đã đợi chị. Tôi bảo, vì xưa giờ bà quý chị nhất mà.

.
Tôi đã nghĩ là mình không khóc nhè chè thiu hay gì cả, vì, giống như khi ông ngoại mất, tôi đã nghĩ ông sống trọn vẹn một cuộc đời, không có gì phải nuối tiếc và vì thế đừng khóc, ông buồn. Nhưng bà nội thì có sống trọn vẹn một cuộc đời không?

Nghe mẹ kể ngày xưa bà rất là khó tính, và đương nhiên là cổ hủ lạc hậu - một mẫu phụ nữ điển hình của ngày xưa đó: bà không biết chữ, lấy chồng từ 13 - 15 tuổi gì đó và tất bật lo việc nhà. Một bà trẻ có kể là ngày xưa cụ dạy chữ cho các bà, nhưng bà tôi ngày làm việc mệt quá nên tối học thì toàn ngủ gật thôi.

Không kể khoảng thời gian bé tí xíu ko nhớ được gì, tôi có 2 năm sống hoàn toàn với ông bà và sau này thì thường là về với ông bà lúc cuối tuần, nghỉ hè, tết. Nói chung tôi không nhớ gì về sự khó tính của bà, chỉ nhớ bà có hay "hứ" dài cả ki lô mét và có hay lườm. Còn lại thì bà tuyệt đối dễ dãi. Tôi ko nhớ bà có bao giờ thèm mắng mỏ tôi hay gì, luôn luôn là một sự lặng lẽ nhẫn nại dọn dẹp mọi hậu quả, nếu có, do tôi bày ra.

Tôi nhớ ngày xưa bà hay làm tương và chum tương để trên trần nhà, dưới bóng che của cây hồng xiêm. Tôi nhớ nhà có rất nhiều cây ổi và hồi đó chú tôi còn trẩy ổi cho bà đem bán - những thúng ổi to. Tôi nhớ những cây nhãn, bà dặn không được vặt quả ăn vì có hơi người là dơi sẽ ăn hết. Phải đợi tới ngày bán nhãn người ta vào trẩy, thì mình mới được ăn. Tôi nhớ lúc ở với ông bà tôi biết thái chuối, băm bèo, biết đun rơm và lá (nhưng không biết nhóm củi). Tôi thích nghe lá hồng xiêm nổ xèo xèo và thích cho lợn ăn từng cọng rau muống, nó sẽ ăn rột rột.

Bà tôi nấu ăn không ngon và hầu như hay tằn tiện ki cóp, hay nghĩ đến bản thân mình sau cùng, nên các thứ cứ để lúc hỏng hay sắp hỏng (và chắc chắn là không ai ăn) thì bà mới ăn. Bà cũng chẳng kể chuyện cho tôi giống như các bà trong truyện - cái này thì tôi đã nói rồi. Mà có lẽ vì thế nên tôi phải tự xử thích gì thì tự đi mà đọc ko ỷ lại ai được.

Lúc tôi học cấp 2, có hôm chủ nhật phải đi học thêm nhưng tôi dậy muộn và cuống quýt cả lên, trong khi bà thì cứ xót, chỉ lo nhắc tôi 'ăn sáng đi đã'. Thế là tôi khóc nhè (vì bị muộn học, tại tôi chứ ai) nhưng khi mọi người hỏi sao khóc thì tôi bảo tại bà cứ bảo ăn. Tất nhiên, bà chả thèm nói gì cả. Tính tôi đành hanh và thích vẽ vời những 'lễ nghi' kiểu như việc rửa lá dong là một lễ nghi trước Tết và năm nào tôi cũng dặn bà để tôi về rửa nhưng có năm bà rửa trước chẳng đợi tôi. Vốn dĩ rửa lá dong lạnh chết mẹ cóng hết cả tay, Tết nhất thì bao nhiêu là việc - tôi biết là bà nghĩ thế, nhưng tôi lại vẫn cứ dỗi lại khóc nhè chè thiu. (Giờ nghĩ, đấy lá đấy mày về mà rửa đéo ai thèm...)

Sau này, có mỗi một thứ duy nhất bà hay càm ràm, đấy là mỗi khi tôi mặc quần jeans rách. Bà hay bảo đưa đây tao khâu cho. (Chuyện đó thực ra rất dễ chịu, so với việc bà ngoại thích "động thủ" kiểu mày lại đây tao xé cho rách thêm.)

.
Nên tôi đã nghĩ có khi là bà sống rất là thiệt thòi không, vì bà cứ nhẫn nhịn mọi thứ. Nhưng mà rồi lại nghĩ đấy chỉ là phỏng đoán của tôi thôi, ko chắc bà đã thấy vậy? Sau khi nghĩ kỹ, thì tôi nghĩ là bà sẽ thấy là đủ thôi. Bà vốn dĩ chẳng bao giờ đòi hỏi gì nhiều. Và trước cái chết thì có gì quan trọng nữa đâu... Nữa là, tất cả chúng tôi, có tình yêu thương tuyệt đối của bà, đó là điều tôi chắc chắn.

.
Những ngày cuối đời, bà bị lẫn, có khi không nhớ được tên con cháu. Nhưng bà cũng chẳng lấy làm phiền vì điều đó. Đúng là "một người già bằng ba trẻ nhỏ", bà sống rất hồn nhiên, kiểu như phải dỗ dành để bà uống thuốc nếu không bà sẽ giả vờ uống và tìm cách nhổ đi. Kiểu như lúc nói chuyện bà vui mồm sẽ chửi thề luôn chứ chả giữ gìn gì.

Tình cờ, nó giống y như cái bức hình tôi đăng facebook chừng 5 năm trước, và nó xuất hiện ở 'on this day' 1-2 ngày sau khi bà qua đời. Trong bức hình đó, bà tóc búi hai bên ngồi ở bậc thềm, sau khi bảo tôi "đ** mẹ mày dịch cái mông ra cho bố mày ngồi".


.
Thời gian trôi qua những đứa bé lớn lên
nhưng ai ngăn mái tóc phai màu
ốm đau rồi đi mãi...

Phải chăng ai yêu thương bên ta một thời
cũng sẽ sang bên kia bầu trời
rồi tìm nơi đâu...?




Tôi biết là tôi chấp nhận cái chết. Nhưng không có nghĩa là, nó không đau thương.





No comments:

Post a Comment