Thursday, December 5, 2013

[Ti] Cầu đường

Dọn bài của Ti, thấy bài này Ti viết, cứu net cho chuyên mục của tôi (như em đã từng cứu vô khối lần).

Đừng hỏi vì sao tôi iêu em :x

---
CẦU ĐƯỜNG
Trần Tiến

Tôi muốn viết hoa, Cầu Đường, như tên một người bạn. Như anh Hiệp, anh em thằng Phúc - thằng Hậu, con bé Nga, Quỳnh Dao... và nhiều đứa nữa không tài nào nhớ tên nổi, vì đã quá lâu.

Chắc bạn đang tự hỏi “Cầu Đường là gì” đúng không? Tất cả chúng tôi, bao gồm cư dân của thị trấn tuổi thơ nhỏ như bàn tay và bọn trẻ con cùng xóm chơi chung năm nào, đều gọi cái Hạt quản lý đường bộ số 735 như thế. Nó gánh nhiệm vụ thi công làm mới hoặc kiểm tra, sửa chữa cầu và đường cho cả huyện. Có thể kể ra mấy công việc thường xuyên đó là vá lấp ổ gà, quét lại những vạch kẻ trắng, sơn sửa hay cắm thêm cột mốc và biển báo giao thông...

Cầu Đường nằm sát vách nhà tôi, là mảnh đất rộng đến nỗi, tôi đã hào phóng tiêu xài gần mười năm con nít của mình để chạy chơi loanh quanh mà dấu chân chẳng thể phủ nào kín hết. Nhưng "địa thế" của nó thì tôi nằm lòng: chỗ nào núp vào trong trò trốn tìm thì ma quỷ cũng chả tìm ra, chỗ nào đào được nhiều trùn chỉ cho cá lia thia ăn, chỗ nào có nhiều rắn mối để bắt nhát tụi thỏ đế...

Bao xung quanh Cầu Đường là hàng rào chì gai, có mồng tơi leo xanh lưa thưa. Những sợi kẽm nhọn tua tua tủa chẳng dọa được trẻ con. Bọn tôi có một con đường bí mật để "đột nhập" vào trong, đó khoảng rào trống khuất sau gốc cây, được mấy anh lớn khai phá, vừa đủ từng đứa bò qua nhanh chóng. Cả đám chẳng bao giờ vào theo cổng chính, dù hoàn toàn được phép. Bạn biết vì sao rồi đấy, bọn trẻ đứa nào chả thích chui lỗ chó, cho có vẻ bí ẩn hồi hộp. Dù thi thoảng có đứa bị mắc vào gai kẽm, phải ăn roi vì quần áo thủng lỗ. Nhưng chằng chừa đâu, hôm sau lại trốn mẹ chui qua, vui thế cơ mà!

Để tôi nhớ coi... Có thể tạm chia Cầu Đường thành hai phần.

Nửa sau Cầu Đường là dãy nhà ở tập thể của vài chục chú công nhân được điều động đến từ khắp nơi, đa phần trẻ măng. Họ đen nhẻm vì nắng bụi, mặc đồng phục màu cam và mang ủng cao su, đội nón bảo hộ tròn quay như nửa cái gáo dừa, chiều chiều đi làm về toàn tìm bọn trẻ con sang chơi để chọc giỡn. Dọc đường mọi người biếu xoài mận trong vườn mà các chú chẳng ăn, toàn đem về bảo bọn tôi xếp hàng chia đều. Mấy chú siêng lắm, dành cả một khoảng đất để lên liếp trồng rau và nuôi gà sau giờ làm, tăng gia sản xuất như trong quân ngũ ấy, chỉ không có thời gian tự nấu nướng, phải nhờ một dì đầu bếp riêng. Hồi đó tôi ăn cơm chực bên đó hoài, vì là đứa đèo đẹt nhất đám, nên còn được cho thêm vài quả trứng gà đem về ăn mau lớn.

 Nửa trước - căn cứ chính của bọn tôi - là khoảng sân mênh mông để xếp vật liệu, phế liệu, xe chuyên dụng và công cụ, thôi thì đủ thứ, không khác gì bối cảnh ngổn ngang trong mấy phim hành động. Mà bọn trẻ con tưởng tượng rất thần thánh, cái gì cũng thành trò chơi được, chơi cả ngày.

Những thùng phuy nhựa đường mới nguyên xếp cạnh nhau thành một vùng rộng, cao ngang đầu, bằng phằng nhưng đầy khe hở. Chơi bắt rượt trên đó vui và ú tim phải biết, lỡ xui hụt chân xuống là bị bắt dính liền. Còn không, nó biến thành sân khấu ca nhạc tạp kỹ thiếu nhi. Mấy đứa con gái toàn tranh làm ca sĩ, cài bông lên đầu, đứng trên đó hát múa, bắt bọn con trai ngồi dưới ngóng cổ coi, vỗ tay và ngắt cỏ tặng. Gỗ bắc cầu từng thanh dài ngoằng xếp chồng lên nhau, vô tình xông xênh thành những cái bập bênh tung nảy như bay. Mấy biển báo giao thông chưa kịp lắp lại được trưng dụng làm bảng trong trò dạy học, phấn là than củi để nung nhựa đường. "Thầy cô" có khi còn làm toán sai, bị học trò chửi bới om sòm.

Xe tải thùng không nóc, xe lu bự như voi, xe cần cẩu cỡ nhỏ... là phương tiện tham chiến của mấy đoàn quân một-mét-mốt, tấn công quyết liệt bằng đạn âm thanh (la hét), bên thắng được bên thua cõng đi vòng vòng, còn làm sao phân định thắng thua thì chịu, không nhớ được.

Cứ như vậy, trò nọ đến trò kia, ngày này qua ngày khác, bọn tôi chơi say mê. Kể ra, những trò leo trèo nhảy nhót ấy không hẳn là an toàn. Con nít nghĩ rằng chỉ cần buộc cái khăn đỏ sau lưng và tiếp đất vững vàng sau khi phóng từ bánh xe lu xuống là đã trở thàng siêu nhân. Người lớn nghe kể lại chỉ biết hết hồn rồi thở phào, may mà tụi bây không té trày tay đó, mai mốt cấm không cho qua đó chơi nữa nghe chưa.

Nói vậy, chứ cấm gì được. Cầu Đường tưởng chừng chẳng có gì hay ho nhưng là thiên đường cho chúng tôi thỏa sức tung hoành. Hồi đó sân chơi thực sự cho trẻ con cực hiếm và gần như chẳng có ở cái thị trấn nửa chợ nửa quê của tôi. Nếu không được qua thì buồn lắm, te te vô ngồi kẹt cửa, giận dỗi bỏ cơm chứ chẳng đùa.

Bây giờ thì khác rồi. Đám trẻ con ngày xưa từng đóng vai mẹ con cha chú, nay đã lớn, đi xa, trở về và lạ lẫm nhau. Đám trẻ con bây giờ học thêm về thì ở nhà... học tiếp, hoặc chơi game, không (được/thèm) tập tụ. Cầu Đường nằm nguyên đó, nhưng đứng bên nhà nhìn qua tôi chẳng thấy gì nữa, vì mảng tường rào kín mít xây quanh.

Tìm đỏ mắt cũng chẳng có cái lỗ chó nào cho tôi chui vào tuổi thơ được nữa!

[Trà sữa cho tâm hồn 97]

2 comments:

  1. Nghe tả y chang em hồi nhỏ.

    Hồi em học lớp 2, có một nhà đang xây lại, có bải cát bự với phía trong có mấy cái giàn giáo bự thiệt bự. Tối nào ăn cơm xong cỡ 7h (lúc nào cũng đúng giờ) em cũng lon ton ra đó chơi. mấy cô chú công nhân ngủ lại ở đó riết quen mặt cũng bày trò này trò kia cho em chơi (thỉnh thoảng em có đi chung với 1 đứa bạn nữa, giờ không nhớ đứa nào). Giờ nghĩ lại cũng không chơi gì nhiều, chi có nhảy qua nhảy lại giữa bờ này bờ kia của bãi cát rồi leo trèo lên mấy cái giàn thấp thấp nhưng mà vui tợn. Đặc biệt thú vị ở chỗ là em giấu mẹ, không ai trong nhà biết em bay ra đó chơi. Cái một hôm có bà hàng xóm thấy em nghịch cát chạy về mách mẹ em, thế là bị cấm ra chơi -_- Với cả có một thời gian mẹ em xem tử vi nói tháng 7 em xui tận mạng, không được ra đường chơi sau 7h tối. Đó là khoảng thời gian đầy nhức nhối và giận dỗi của em. Giang hồ thiếu nhi cũng như giang hồ người lớn í, không ra chơi với tụi nó một tuần là coi như ai cũng quên mặt mình, chia bè xẻ phái không cho mình chơi chung nữa. Tới khi em lên cấp 2, tụi nó cũng lớn rồi không tụm năm tụm bảy lông ngông ngoài đường nữa. Bây giờ mấy đứa nhóc đúng là chỉ có ở nhà chơi điện tử và lôi mấy thứ đắt tiền như xe hơi mini, xe điều khiển từ xa ra đường kho. Không thấy nhảy dây, lò cò, năm mười, cá sấu lên bờ, bịt mắt bắt dê, hay ô ăn quan (trò tủ của em) nữa. Hỏi sao mà em không muốn lớn :">

    ReplyDelete